Đồng minh bất thường

Khi đến thăm Trung Đông mới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phải lắng nghe những ý kiến được lặp đi lặp lại rằng: Đừng tin Tehran, phải siết chặt cấm vận hơn nữa hay nhượng bộ trong vấn đề hạt nhân là sai lầm nghiêm trọng. Điệp khúc quen thuộc này thường xuất hiện trong các cuộc hội đàm giữa Mỹ và Israel, nhưng trong chuyến công du này, là từ Saudi Arabia, một đồng minh Trung Đông khác của Mỹ.

Theo AP, Israel và các quốc gia Ảrập (đứng đầu là Saudi Arabia), vốn không ưa gì nhau, đang có những cái bắt tay vì mục tiêu chung mang tên Iran. Theodore Karasik, nhà phân tích chính trị và an ninh của Viện Nghiên cứu quân sự vùng Vịnh và cận Đông có trụ sở tại Dubai, nhận định châm ngôn “kẻ thù của kẻ thù là bạn” hoàn toàn đúng trong trường hợp của Israel và các quốc gia Ảrập hiện nay. Các nhà lãnh đạo của Ảrập luôn lạnh nhạt và giữ khoảng cách trong quan hệ với Israel giờ đang thể hiện sự đồng lòng về chương trình hạt nhân Iran.

Mới đây, Tel Aviv tuyên bố nước này đang chuẩn bị thực hiện các chiến dịch độc lập nhằm vào cơ sở hạt nhân của Iran. Không kích trực tiếp vào Iran thông qua lãnh thổ Saudi Arabia là một trong các phương án chính được Israel xem xét trong trường hợp thực hiện tấn công quân sự.

Tel Aviv xem việc Tehran có khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân là mối đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của Nhà nước Do Thái, khi mà các nhà lãnh đạo Iran trong vài thập niên qua đều thể hiện rõ thái độ “không ưa” Israel. Tel Aviv còn lo ngại, với việc Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân, cán cân quyền lực tại khu vực sẽ thay đổi. Dư luận quốc tế tin rằng Israel đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân cho dù họ luôn ra sức bác bỏ. Trong khi đó, Saudi Arabia luôn coi Iran là “hàng xóm nguy hiểm”.

Riyadh luôn cho rằng Tehran đã nhúng tay hoặc ủng hộ các kế hoạch nhằm gây rối loạn, lật đổ Chính phủ Saudi Arabia, mặc dù không đưa ra được các chứng cứ cụ thể. Ngoài ra, mâu thuẫn sắc tộc khi lãnh đạo Iran là phe Hồi giáo dòng Shiite còn Saudi Arabia là Sunni luôn là yếu tố tạo ra hố sâu ngăn cách giữa 2 quốc gia.

Theo Meir Javedanfar, chuyên gia về chính trị gốc Iran, bên cạnh sự thù địch với Iran, Israel và Saudi Arabia đều chia sẻ mục tiêu chung là lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Tel Aviv và Riyadh cũng cùng thống nhất ủng hộ chính phủ quân sự Ai Cập. Hai nước còn tìm thấy tiếng nói chung liên quan đến “điều không thể chấp nhận được” về sự gia tăng vai trò địa chính trị của đối thủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Hơn thế, Tel Aviv và Riyadh nhận ra sự khước từ của Mỹ thực hiện tấn công quân sự Syria và bước đi đầu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama hướng đến bình thường hóa quan hệ với Tehran là sự khởi đầu của Nhà Trắng về một giai đoạn mới trong chuyển đổi cấu trúc địa chính trị ở Trung Đông. Do đó, Israel và Saudia Arabia hiểu rằng cần phải thực dụng hơn, phải hợp tác với nhau để đảm bảo lợi ích, vị thế của họ tại khu vực Trung Đông.

Như cách nói của D.Gillerman, nhà ngoại giao kỳ cựu một thời của Israel, thì “chúng tôi có một kẻ thù chung là Iran, chia sẻ sự thất vọng chung về đồng minh là Mỹ. Đó là những yếu tố để hình thành một đồng minh bất thường giữa Israel và các quốc gia Ảrập”.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục