Đồng Nai: Lại phát hiện thuốc thú y có chất cấm

  • Vụ tiêu hủy 2,2 tấn chân trâu, bò thối: đề nghị đình chỉ công tác 4 cán bộ QLTT

Ngày 19-4, Chi cục QLTT tỉnh Đồng Nai cho biết, Đội QLTT số 12 (huyện Cẩm Mỹ) và Đội QLTT số 5 (huyện Trảng Bom) vừa kiểm tra, phát hiện 2 cửa hàng thuốc thú y kinh doanh sản phẩm có chất cấm.

Tại huyện Cẩm Mỹ, qua kiểm tra cửa hàng kinh doanh thuốc thú y của ông Nguyễn Văn Lượm ở xã Bảo Bình, Đội QLTT số 12 phát hiện 4 gói bột dùng trong chăn nuôi hiệu B.Complex-C, 1 gói bột Nutri Meat. Kết quả kiểm định cả hai sản phẩm trên đều có chất cấm Salbutamol.

Tại huyện Trảng Bom, Đội QLTT số 5 kiểm tra cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại xã Tây Hòa, phát hiện và tạm giữ gần 568kg thức ăn chăn nuôi không có nhãn hiệu hàng hóa. Kết quả kiểm nghiệm có 1 bao 9,9kg sử dụng chất cấm Salbutamol.

Cũng trong ngày 19-4, UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với các sở, ngành liên quan bàn về việc quản lý chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Theo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, tình trạng một số hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sử dụng chất cấm thời gian qua đã gây ảnh hưởng đến những người chăn nuôi chân chính, làm thiệt hại hơn 500 tỷ đồng do giá heo hơi giảm mạnh. Để xử lý việc sử dụng chất cấm, chi cục đã thành lập các đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, trang trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc, lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra.

Qua đó, kiến nghị thu hồi giấy phép kinh doanh của 20 cửa hàng kinh doanh thuốc thú y vi phạm về mua bán chất cấm trong chăn nuôi và đóng cửa 35 điểm giết mổ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các huyện Xuân Lộc, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ và Nhơn Trạch.

Ngày 19-4, Công an thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) đã phối hợp với các cơ quan chức năng mở niêm phong để kiểm tra container chứa thực phẩm đông lạnh tại kho của cơ sở chế biến lòng heo ở địa chỉ 21G/3E, khu phố Bình Đáng, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An và phát hiện hơn 8 tấn gồm chân trâu bò, lòng heo không có nguồn gốc, đang bốc mùi hôi thối. Trong số chân trâu bò này, có số tang vật là các bao tải cháy sém chứa chân trâu bò mà lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai bắt giữ và mang đi tiêu hủy vào ngày 18-4 đang được cất giấu trong container đông lạnh.

Trước đó, vào lúc 10 giờ ngày 18-4, Đội QLTT cơ động thuộc Chi cục QLTT tỉnh Đồng Nai phối hợp lực lượng CSGT bắt giữ 2,2 tấn chân trâu, bò đang trong quá trình phân hủy do tài xế Nguyễn Văn Hoàn (27 tuổi, quê tỉnh Thái Bình) chở trên xe tải đông lạnh biển số 15C-03126 từ Hà Nội vào TPHCM tiêu thụ. Sau đó các cơ quan chức năng mang đi tiêu hủy vào chiều ngày 18-4 tại hố chuyên tiêu hủy ở khu phố 8, phường Long Bình, TP Biên Hòa. Khi lượng chân trâu, bò chưa bị tiêu hủy hoàn toàn thì bị các đối tượng bốc lại lên xe chở sang tỉnh Bình Dương.

Ông Trần Ngọc Sơn, Trạm trưởng Trạm thú y Biên Hòa cho biết, tổ công tác tiêu hủy đã làm sai quy trình nghiệp vụ, không mời đại diện chính quyền địa phương là phường Long Bình, TP Biên Hòa - địa bàn đã có hố đào sẵn tiêu hủy thịt thối đến chứng kiến và nhận bàn giao hiện trường.

Liên quan đến trách nhiệm của tổ công tác tiêu hủy 2,2 tấn chân trâu, bò thối tại phường Long Bình, ngày 19-4, ông Dương Minh Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp - Chi cục QLTT tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị này đang đề nghị 4 cán bộ trong đoàn công tác làm tường trình, đồng thời cử cán bộ phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân để có hướng xử lý.

Tại cuộc làm việc với Sở NN-PTNT, cùng các huyện, thị xã Long Khánh và TP Biên Hòa về quản lý chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào sáng 19-4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh đề nghị Văn phòng UBND tỉnh làm văn bản yêu cầu Sở Công thương tạm đình chỉ công tác 4 cán bộ quản lý thị trường tham gia tiêu hủy số chân trâu, bò vào ngày 18-4.

Ngày 19-4, nhiều nông dân, cửa hàng thuốc thú y ở TPHCM ký cam kết không sử dụng chất kích thích tạo nạc trong chăn nuôi heo do Hội Nông dân TPHCM tổ chức. Hội Nông dân TP cho biết, hiện nay người chăn nuôi lỗ từ 8.000-10.000 đồng/kg heo hơi do người tiêu dùng lo ngại và bị thương lái ép giá khi một số hộ sử dụng chất kích thích tạo nạc thuộc nhóm beta Agonist bị phát hiện. TPHCM hiện có hơn 8.600 hộ và cơ sở chăn nuôi heo với trên 325.000 con, trên 700 cửa hàng thuốc thú y.

Nhóm PV

Thông tin liên quan

- Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra

- Đồng Nai kiểm tra kinh doanh thuốc thú y

Tin cùng chuyên mục