Đồng thuận lãi suất, ngân hàng nhỏ “tìm cửa” lách

Sau những động thái xử lý mạnh tay của NHNN khi phát hiện một số ngân hàng tăng lãi suất vượt trần, các ngân hàng đều trưng bảng niêm yết lãi suất huy động vốn không quá 14%/năm theo mức đồng thuận mới. Tuy nhiên, thực tế cuộc cạnh tranh giành khách hàng tiền gửi bằng lãi suất “vượt rào” vẫn âm thầm diễn ra ở các ngân hàng nhỏ.

Âm thầm xé rào huy động

So với những ngày đầu và giữa tháng 12-2010, lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng đã ổn định ở mức 14%/năm. Nhiều chuyên gia cho rằng khả năng lãi suất tiền gửi sẽ không còn như đầu tháng 12, đồng thời có thể điều chỉnh giảm sau Tết Nguyên đán khi nhu cầu vốn giảm. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều ngân hàng tình trạng căng thẳng trong huy động vốn vẫn diễn ra.

Tại hội nghị tổng kết ngành ngân hàng mới đây, một lãnh đạo ngân hàng nhỏ tại TPHCM cho biết, chỉ sau vài ngày kéo giảm lãi suất huy động xuống 14%/năm ngân hàng này đã bị khách hàng gửi tiền rút đến 1.300 tỷ đồng để chuyển sang ngân hàng khác. Điều này chứng tỏ vẫn có ngân hàng lách tăng cao lãi suất hơn mức quy định. Khi được hỏi, hầu hết các NHTM đều cho rằng không dám xé rào lãi suất tiết kiệm kể từ khi NHNN có chỉ đạo ổn định lãi suất và thanh tra giám sát nhưng thực tế một số ngân hàng ngoài mức công khai là 14% lại kèm theo chương trình bốc thăm trúng thưởng lớn. Giải thích về vấn đề này, lãnh đạo các ngân hàng này cho rằng các chương trình khuyến mại có hiệu lực trước khi có cam kết nên không vi phạm.

Tại hội nghị tổng kết ngành ngân hàng, nhiều NHTM kiến nghị cần có cơ chế điều hành lãi suất phù hợp để giúp ổn định thị trường lãi suất trên cơ sở chênh lệch tiềm lực tài chính ở các ngân hàng đều khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng cần cho phép các NHTM nhỏ huy động lãi suất cao hơn để tránh tình trạng xé rào không minh bạch, gây méo mó thị trường lãi suất. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng điều này là không phù hợp trong bối cảnh thị trường cạnh tranh bình đẳng. Trước tình hình đó, được biết NHNN đang nghiên cứu giải pháp hỗ trợ NHTM nhỏ ngoài hỗ trợ qua thị trường mở, có thể NHNN xem xét đến giải pháp hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc với ngân hàng nhỏ để giúp các NHTM nhỏ tiết giảm chi phí để có thêm thanh khoản và giảm dần lãi suất huy động và cho vay.

Thực tế, với những khoản tiền gửi lớn ngoài lãi suất theo quy định một số ngân hàng vẫn thực hiện khuyến mại bằng phương thức tặng tiền mặt ngay khi khách hàng gửi. Số tiền tặng không tính vào lãi suất và cũng không quy định trên sổ tiết kiệm, ngân hàng chỉ đóng dấu “không rút trước hạn” với những sổ được tặng tiền mặt. Điều này giúp các ngân hàng lách được thanh tra, giám sát của NHNN. Các khoản ưu đãi này dành cho những khách hàng đã từng gửi ở ngân hàng hoặc mối quen biết chứ không thực hiện với khách lạ. Từ vấn đề này liệu chăng những xử phạt răng đe của NHNN chưa đủ đô với các NHTM? Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, để khắc phục hậu quả của cú sốc lãi suất mà Techcombank gây ra, NHNN đã bơm ngay 15.000 tỷ đồng ra thị trường trong vòng 4 ngày sau đó.

Theo một lãnh đạo ngân hàng, sở dĩ các ngân hàng nhỏ vẫn âm thầm phá rào không phải vì muốn giành giật khách hàng mà chỉ muốn giữ chân khách hàng. Dù NHNN cho biết sẵn sàng cho vay tái cấp vốn nhưng các ngân hàng nhỏ hiện nay đủ điều kiện vay thì cũng ngại vay. Vì một khi vay trên các thị trường này sẽ bị NHNN đánh giá là ngân hàng có khả năng mất thanh khoản. Việc xin phép NHNN thành lập chi nhánh, mở dịch vụ sau này sẽ khó khăn hơn.

Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, việc đồng thuận chỉ là biện pháp tình thế chứ không thể kéo dài. Vì khi đó sẽ thiệt thòi cho các ngân hàng nhỏ, cùng một mức lãi suất bằng nhau, các ngân hàng nhỏ không thể cạnh tranh huy động với các ngân hàng lớn có uy tín hơn. Các ngân hàng nhỏ muốn giữ chân khách hàng đành phải vượt rào.

Đầu ra hẹp vì lãi suất nóng

Một lãnh đạo NHNN cho biết, trong tháng 12 này nhu cầu vốn của doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM có dấu hiệu chựng lại trước áp lực lãi suất cho vay thỏa thuận ở mức cao. Vì vậy, nếu ngân hàng nào tiếp tục duy trì lãi suất tiền gửi ở mức cao sẽ khó kích thích tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, thực tế từ khi có đồng thuận lãi suất ở mức mới để bình ổn thị trường, mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận bằng tiền đồng giảm tương đối chậm dù trước đó một số ngân hàng khẳng định áp lực lãi vay sẽ giảm khi các NHTM kéo trần huy động về 14%/năm.

Hiện lãi suất cho vay thỏa thuận với khách hàng doanh nghiệp được các ngân hàng áp dụng ở mức 17%-18,5%/năm, thậm chí cao hơn các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Còn với khách hàng cá nhân, lãi suất cho vay tiền đồng vẫn duy trì ở mức tương đối cao, với 19%-20%/năm ở ngân hàng nhỏ và 18%-19%/năm ở ngân hàng lớn. Nhiều ngân hàng còn đẩy lãi suất lên đến 22%-23%/năm với những khoản cho vay tín chấp, nhất là lãi suất cho vay qua thẻ tín dụng cũng được các ngân hàng điều chỉnh tăng lên. Cụ thể, Techcombank vừa tăng lãi suất các loại thẻ tín dụng quốc tế Techcombank Visa lên 23%/năm thay cho mức lãi suất 19%-21% trước đó và lãi suất thẻ tín dụng Vietnam Airline Techcombank Visa được điều chỉnh lên 23%/năm từ ngày 29-12.

Thực tế khi tăng lãi suất cho vay, các ngân hàng đang đứng trước thách thức không hoàn thành được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra đầu năm. Đơn cử tại ACB, lãnh đạo ngân hàng này cho biết dư nợ tín dụng khối khách hàng doanh nghiệp có khả năng hoàn thành nhưng dư nợ cá nhân khó hoàn thành vì khách hàng ngại vay lãi suất cao. Đây là một áp lực rất lớn về lợi nhuận cho các ngân hàng nhỏ.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các ngân hàng với chi phí huy động vốn đội lên cao như hiện nay sẽ khó có thể giảm lãi suất cho vay liền, nhất là các ngân hàng hiện đều phải trả lãi suất cao từ 8%-10%/năm cho khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng doanh nghiệp thay vì lãi suất không kỳ hạn như trước đây. Vì vậy, có thể sau Tết Nguyên đán lãi suất huy động sẽ giảm nhanh nhưng lãi suất cho vay sẽ vẫn còn ở mức cao, ít nhất 1 - 2 tháng mới giảm theo.


HIẾU HUÊ

Tin cùng chuyên mục