Trong khi mối quan hệ giữa Nga và phương Tây dường như chưa có gì thay đổi sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào Nhà Trắng thì thế giới chứng kiến bước cải thiện quan hệ ngày càng rõ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Mỹ và là thành viên NATO.
Trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang có quan hệ căng thẳng với Đức, Hà Lan và nhiều nước châu Âu khác do vấn đề sắc tộc, chuyến thăm Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vừa qua càng khẳng định bước đi của Thổ Nhĩ Kỳ đang hướng Đông. Quả thật, nằm ở ngã ba đường giữa châu Âu và châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu muốn xem mình là nước thuộc về châu Âu với đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2005. Nhưng xem ra với EU, Ankara chưa tạo được niềm tin nên việc gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ luôn gặp nhiều điều kiện ràng buộc rất nan giải. Gần đây nhất là EU giao cho Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát dòng người nhập cư từ Syria để đổi lấy việc EU miễn visa cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đến nay, EU vẫn chưa thể miễn visa cho Thổ Nhĩ Kỳ vì cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên… sửa đổi luật chống khủng bố. Căng thẳng trong quan hệ EU với Thổ Nhĩ Kỳ trải rộng từ chính trị đến sắc tộc và cả tiêu chuẩn về dân chủ.
Trong khi đó, từ những hóa giải sau sự kiện máy bay Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, quan hệ hai nước ngày càng thân thiết hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hợp tác rất tốt trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm đối lập tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ ở vào thế bằng mọi giá phải dập tắt các phong trào người Kurd đang trỗi dậy tại Syria. Phong trào này được nhiều nước phương Tây, trong đó có Mỹ ủng hộ. Nhưng người Kurd từ lâu muốn tách một phần lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ để thành lập Vương quốc người Kurd bao gồm cả một phần lãnh thổ Syria và Iraq. Chính vì thế nên Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác rất tốt với Nga ở Syria để đảm bảo an ninh cho chính mình. Theo báo The Independent, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan mô tả mối quan hệ hợp tác về quân sự giữa hai bên “hiệu quả và chặt chẽ”. Cả 2 nước đóng vai trò chính trong các cuộc hòa đàm về Syria có sự tham gia của cả Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad và các lực lượng đối lập Syria, trong đó vòng ba sẽ bắt đầu trong những ngày tới. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có đóng góp to lớn không chỉ để đảm bảo một thỏa thuận ngừng bắn giữa lực lượng của Chính phủ Syria và phe đối lập mà còn giúp hình thành đàm phán trực tiếp và cụ thể giữa họ, điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua.
Không chỉ hợp tác về quân sự, theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, kim ngạch thương mại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể đạt 100 tỷ USD nếu Nga dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận kinh tế chống Ankara. Nga cũng nới lỏng lệnh cấm vận này khi cho phép nhập khẩu hành tây, súp lơ, bông cải xanh và hoa cẩm chướng từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo trang web của Trung tâm nghiên cứu toàn cầu hóa (CRG) có trụ sở tại Montreal (Canada), Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang thực hiện chính sách ngoại giao gần gũi cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ không còn trông chờ Mỹ hay EU đảm bảo an ninh với tư cách là thành viên NATO. Hơn nữa, quan hệ tốt đẹp của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ và cả Israel cho thấy Kremlin muốn phá thế bao vây cấm vận của phương Tây, đồng thời tăng cường vị thế của Nga tại Trung Đông.
HUY QUỐC