Dòng vốn đầu tư đã trở lại Nga

Thị trường tài chính Nga đang khởi sắc sau thời gian rơi vào bế tắc vì suy thoái. Theo tổ chức nghiên cứu Emerging Portfolio Fund Research (EPFR), trong tuần lễ đầu tiên của tháng 8, Nga đã thu hút hơn 65 triệu USD vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, cao gần gấp đôi so với mức của một tuần trước đó (37 triệu USD).

Các nhà phân tích cho rằng, đà tăng của giá dầu Brent lên mốc 46 USD/thùng là lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại đầu tư vào thị trường Nga. Giá dầu tăng cũng góp phần củng cố sự ổn định của đồng rouble so với đồng USD và EUR trong thời gian gần đây. Kể từ đầu năm đến nay, khi giá dầu tăng trở lại, đồng tiền của Nga đã tăng 14% so với USD sau khi giảm 20% trong năm 2015. Thị trường Nga đón nhận dòng vốn đầu tư mới nhưng song song với hoạt động này vẫn còn hiện tượng các quỹ đầu tư chuyển dòng vốn ra khỏi các công ty. Từ ngày 4 đến ngày 10-8, tổng số vốn đầu tư chuyển khỏi các công ty ở Nga là 14,4 triệu USD. Theo Russia Today, con số này đang có dấu hiệu giảm dần. Ở tuần lễ trước đó dòng vốn rút khỏi Nga là 32 triệu USD.

Bộ trưởng Kinh tế Alexei Ulyukayev đưa ra dự báo Nga sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 0% vào tháng 8 sau khi chạm mức -0,7% trong tháng 4 vừa qua. Ông Ulyukayev nhận định, quá trình phục hồi kinh tế của Nga hiện nay tuy chậm nhưng có động lực tích cực. Theo Bộ trưởng Ulyukayev, tốc độ tăng trưởng cả năm của Nga sẽ đạt -0,2% trong năm nay, và kỳ vọng rằng với đà phát triển này, tốc độ tăng trưởng GDP của Nga sẽ ở mức 1% vào năm 2017. Bộ trưởng Ulyukayev cho rằng, những biện pháp trừng phạt của phương Tây đang áp đặt lên Nga qua cuộc khủng hoảng Ukraine đã tác động mạnh mẽ tới tăng trưởng của Nga, nhưng tình hình hiện nay đã được cải thiện, đặc biệt là về mặt vĩ mô, bởi sự phục hồi của giá dầu trong thời gian gần đây.

Trong một động thái nhằm tạo thêm niềm tin cho giới đầu tư, Tổng thống Nga Putin khẳng định, nền kinh tế Nga đã vượt qua giai đoạn khó khăn và đang đi vào quỹ đạo tăng trưởng. Theo ông Putin, nền kinh tế Nga không chỉ thích nghi hoàn toàn với điều kiện mới, mà còn đã tìm cách tạo ra những lợi thế nhất định trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp. Dù kinh tế rơi vào suy thoái nhưng năm 2015 cũng là năm ghi nhận sản lượng dầu mỏ của Nga tăng 1,2% lên mức cao kỷ lục từ thời hậu Xô viết là 11 triệu thùng/ngày. Nhiều chuyên gia phân tích độc lập cũng đã bắt đầu đưa ra các dự báo tích cực đối với nền kinh tế Nga. Giới chuyên gia tại Capital Economics cho biết, trong khi ngành công nghiệp Nga suy giảm gần 3,3% trong năm 2015 thì ngược lại, ngành nông nghiệp nước này lại tăng trưởng 3% trong cùng thời kỳ.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu lúa mì của Nga đã tăng lên 23,5 triệu tấn, tăng nhanh hơn cả Mỹ và Canada. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán, GDP của Nga sẽ tăng 1% trong năm 2017 do giá dầu ổn định và tình hình tài chính Nga được cải thiện. Tốc độ suy giảm kinh tế Nga sẽ chậm lại do biện pháp được thực hiện bởi chính phủ đã phát huy hiệu quả, bao gồm cả việc thực hiện một tỷ giá ngoại tệ linh hoạt, tăng cường tính thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, kích thích tài chính hạn chế... IMF cũng khuyến nghị rằng, để nền kinh tế Nga tăng trưởng bền vững, việc cải cách cơ cấu hiện nay là cần thiết.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục