Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh:
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, yếu kém, tồn tại lớn nhất trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng những năm qua ở các địa phương là khâu tự phát hiện tham nhũng và thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đạt hiệu quả rất thấp. Bên hành lang Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng vừa được tổ chức tại TPHCM, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh (ảnh) đã trao đổi với PV Báo SGGP về kết quả công tác phòng chống tham nhũng ở TPHCM và cả nước những năm qua.
* PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả công tác phòng chống tham nhũng ở TPHCM từ khi có Luật Phòng, chống tham nhũng đến nay?
* Tổng Thanh tra Chính phủ HUỲNH PHONG TRANH: Qua đánh giá, chúng tôi thấy TPHCM là địa phương chấp hành hết sức nghiêm túc chủ trương và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng. Trong đó, Thành ủy đã ban hành nhiều nghị quyết và chương trình hành động, rồi UBND TPHCM cũng có nhiều kế hoạch rất sát với thực tế, nên tạo được nhận thức trong nội bộ và tuyên truyền mở rộng ra xã hội, để dư luận xã hội hiểu và tham gia phát hiện, phòng ngừa, tố cáo hành vi tham nhũng. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn có sự phối hợp tương đối chặt chẽ, từ Thanh tra, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân đến Tòa án Nhân dân. Nhiều vụ phát hiện có dấu hiệu tham nhũng được chuyển ngay để điều tra, xử lý kịp thời, đúng pháp luật.
* Thế nhưng, việc tự phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, tổ chức còn yếu và theo ông đâu là biện pháp khắc phục?
* Khâu yếu nhất trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng hiện nay, không riêng gì TPHCM mà còn của cả nước, là việc tự phát hiện tham nhũng ngay trong nội bộ của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Trong báo cáo tổng kết, TPHCM cũng tự nhận chưa tự phát hiện được tham nhũng, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cũng ở mức độ. Chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa rất quyết liệt, nhưng hiệu quả chưa cao. Tới đây, ngay trong chính phủ và các bộ ngành, địa phương cần tập trung các giải pháp hiệu quả hơn, nhất là đột phá vào khâu tự đấu tranh phát hiện, phòng ngừa tham nhũng tại từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Mặt khác, phải xây dựng hệ thống chính trị đủ mạnh, để làm sao có một sức chiến đấu cao ở từng đơn vị, địa phương trong đấu tranh, phát hiện và phòng ngừa tham nhũng.
Các bị cáo trong vụ nâng khống giá trị tàu lặn từ 100 triệu đồng lên 130 tỷ đồng để tham ô ở Công ty ALC II, lãnh án từ 15 năm tù đến tử hình
* Theo ông, lĩnh vực nào hiện nay dễ xảy ra tham nhũng nhất?
* Qua thực tế ở nhiều địa phương, bộ ngành trung ương, chúng tôi thấy các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng gồm: quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý đầu tư công, sử dụng ngân sách Nhà nước và công tác cán bộ. Trong kế hoạch thanh tra năm 2016, Thanh tra Chính phủ cũng tập trung vào những lĩnh vực này để kịp thời đấu tranh, phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng.
* Hành vi tham nhũng được cho là lợi ích nhóm có xảy ra ở những lĩnh vực mà ông vừa đề cập đến?
* Hiện nay, đã xuất hiện hành vi lợi ích nhóm trong hoạt động ở các cơ quan nhà nước. Vừa qua, khi xảy ra một số vụ án lớn thấy có sự liên kết chặt chẽ, đông người, có thể cùng cơ quan, tổ chức, hay ở nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau. Những người này kết lại thành khối để tạo ra lợi ích nhóm. Cái thứ hai và rõ nhất là trong hoạt động ngân hàng. Quá trình thanh tra các ngân hàng vừa qua cho thấy có lợi ích nhóm ở đây, điển hình là các vụ án tại một số chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà tòa án đang xét xử. Hay biểu hiện lợi ích nhóm trong xây dựng cơ chế chính sách cũng đã xuất hiện theo hướng làm sao ban hành chính sách, chủ trương có lợi cho nhóm của mình, cho ngành mình, địa phương mình.
* Đã có cơ chế khuyến khích người tham gia đấu tranh, tố giác tham nhũng, nhưng thời gian qua vẫn có ít người dân tham gia. Hướng tới đây chúng ta sẽ có cơ chế, chính sách gì mới không, thưa ông?
* Trong các nghị định của Chính phủ quy định thực hiện Luật Tố cáo, có một điều nói về phát huy, khen thưởng và bảo vệ người tố cáo, trong đó có tố cáo hành vi tham nhũng. Thời gian qua, chúng ta làm chưa tốt điều này. Người dân và xã hội chưa tích cực, chưa chủ động tham gia tố giác tham nhũng. Nguyên nhân của tình trạng này là người dân chưa tin việc giải quyết, xử lý của cơ quan nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền; việc bảo vệ người tố cáo thực hiện chưa tốt; việc khen thưởng, phát huy người tố cáo cũng chưa được rõ ràng. Vừa qua, Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ đã ký một thông tư liên tịch về khen thưởng người tố cáo. Thông tư này đang được triển khai, nếu thực hiện tốt chúng tôi tin rằng sẽ khuyến khích được người dân tham gia tố cáo tham nhũng. Tới đây, khi sửa Luật Phòng, chống tham nhũng cũng sẽ đề cập mạnh hơn ở giải pháp này.
* Việc tố giác những bất minh trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là đối với những người có chức có quyền, kết quả cũng chưa được bao nhiêu, thưa ông?
* Đúng là việc này còn rất hạn chế. Ngay như việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng hiệu quả cũng chưa cao. Đặc biệt là việc tố cáo hành vi bất minh trong kê khai tài sản, thu nhập tuy có nhưng rất ít, hàng năm chỉ xử lý vài trường hợp. Cụ thể, năm 2015 xử lý 5 trường hợp có hành vi kê khai tài sản bất minh. Chính vì vậy, thời gian sắp tới cần rõ ràng hơn, có giải pháp mạnh mẽ hơn, có chế tài đầy đủ hơn thì mới có thể khắc phục được tình trạng này và tránh thực hiện mang tính hình thức.
* Xin cảm ơn ông!
HOÀI NAM (thực hiện)