Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế mới đây đã trình lên Chính phủ về đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013-2020.
Trong đề án này, khá nhiều giải pháp được đưa ra nhằm thực hiện giảm mất cân bằng giới tính khi sinh như: Tăng cường truyền thông vận động để người dân coi con gái cũng như con trai. Thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, nghiêm cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính trước sinh. Đặc biệt là giải pháp về kinh tế trong đó có việc hỗ trợ bằng tiền, cũng như ưu đãi chính sách về an sinh xã hội đối với những gia đình sinh con gái.
Rõ ràng việc Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đưa ra đề xuất hỗ trợ về mặt kinh tế cho những gia đình sinh con một bề là con gái được xem là bước đột phá nhằm giải quyết tình trạng “dương thịnh, âm suy” đang đe dọa thế hệ tương lai của đất nước. Điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, từ năm 2006 cho nay, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta diễn ra nghiêm trọng cho dù ngành y tế đã áp dụng không ít biện pháp can thiệp nhưng hiệu quả mang lại vẫn rất khiêm tốn.
Tính đến hết năm 2012, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta đã lên tới 112,3 trẻ trai/100 trẻ gái, so với mức cân bằng là 105-106/100. Thậm chí có một số địa phương nhất là ở khu vực phía Bắc, tỷ lệ này còn vượt lên trên 120/100. Nguy hiểm hơn, tỷ số giới tính khi sinh của lần sinh thứ ba trở lên rất cao: 120 bé trai/100 bé gái với cả hai khu vực thành thị và nông thôn.
Trước thực trạng đáng lo ngại này, không ít các nhà nghiên cứu dân số đã dự báo, trong khoảng 20 năm nữa, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ, kéo theo đó là một bộ phận nam giới sẽ phải trì hoãn việc kết hôn và nhiều người không thể kết hôn gây khủng hoảng thị trường hôn nhân. Hệ lụy kèm theo với việc gia tăng các hoạt động mại dâm, cưỡng dâm, bắt cóc, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái.
Trong khi đó, hiện nay tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, muốn có con trai để nối dõi còn nặng nề đối với người dân. Một nghiên cứu cho thấy, có đến 82,7% ý kiến được hỏi cho rằng con trai rất quan trọng để nối dõi tông đường, gần 59% để chăm sóc cha mẹ khi về già, ốm đau. Chỉ 11% phụ nữ mong muốn mình sinh con gái. Có tới 11,1% thấy cho rằng chỉ sinh con gái sẽ là người bất hạnh. Cùng với đó là tình trạng “góp sức” của các kỹ thuật y tế hiện đại đã giúp hầu hết phụ nữ đều biết giới tính thai nhi trước khi sinh.
Do đó, việc hỗ trợ các chính sách về kinh tế đối với những gia đình sinh con gái được đánh giá là một giải pháp tình thế nhưng lại mang ý nghĩa nhân văn rất lớn. Hơn nữa nếu được áp dụng thực hiện đây thực sự là một bước tiến dài trong việc thực hiện quyền bình đẳng giới ở nước ta và cũng là khoản đầu tư hợp lý cần thiết cho tương lai để thế hệ sau không phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.
NGUYỄN QUỐC