
Các nhà khoa học Anh hôm qua công bố bắt đầu 2 cuộc thử nghiệm đầu tiên trên thế giới về liệu pháp tế bào gốc, dự kiến đưa Anh và châu Âu trở thành trung tâm nghiên cứu tế bào gốc và dược phẩm phục hồi chức năng.

Tế bào gốc - liệu pháp của tương lai
Thử nghiệm đầu tiên do nhóm tiến sĩ Keith Muir thực hiện tại Bệnh viện Southern ở Glasgow (Anh). Nhóm trích xuất tế bào gốc từ một bào thai không phát triển để tiêm vào não của 12 bệnh nhân bị đột quỵ. Các tế bào này có thể tự làm mới, phục hồi những vùng não bị tổn thương do đột quỵ, cải thiện khả năng vận động và năng lực trí tuệ của bệnh nhân.
Dự kiến thời gian điều trị là 2 năm, bắt đầu với liều thấp gồm 2 triệu tế bào gốc và tăng dần lên 20 triệu. Nếu thử nghiệm thành công, nhóm sẽ tái lập thành tựu của các nhà khoa học Tây Ban Nha vào tháng 11 năm rồi khi ghép một khí quản làm từ chính tế bào gốc của bệnh nhân.
Cách điều trị bệnh đột quỵ duy nhất hiện nay là vật lý trị liệu để phục hồi chức năng não, nhưng vật lý trị liệu không thể giúp tế bào não mới phát triển.
Thử nghiệm thứ hai cũng sẽ tiến hành trong 2 năm trên 20 bệnh nhân bị mù do sừng não, bắt đầu vào tháng này tại Viện Mắt Princess Alexandra và Bệnh viện Gartnavel (Anh). Thay vì sử dụng tế bào gốc bào thai vốn gây nhiều tranh cãi, các nhà khoa học lấy tế bào gốc trưởng thành của người hiến tặng.
Các tế bào này được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và ghép vào màng sừng. Nếu thành công, phương pháp mới có thể cải thiện thị giác của hàng triệu người khắp thế giới bị mù do sừng não, trong số này khoảng 80% là người lớn tuổi.
HÀ KIM (theo AFP, News 24)