Dư âm trận Hà Lan - Uruguay: Lốc da cam có thành bão tố

Lần đầu tiên kể từ đầu mùa, tuyển Hà Lan mới thật sự bay nhảy như những “cơn lốc màu da cam” từng khiến cả thế giới một thời mê đắm, và lần đầu tiên kể từ đầu mùa, tuyển Hà Lan mới mang đến cho đám đông cổ động viên một trận đấu ngập tràn màu sắc trong cả 2 hiệp đấu. Không còn một Hà Lan có đôi chút may mắn trong chiến thắng trước Đan Mạch, một Hà Lan cực kỳ thực dụng và buồn tẻ trong các chiến thắng trước Nhật Bản, Cameroon và Slovakia.

Arjen Robben (trái) và Dirk Kuyt sau trận Hà Lan thắng Uruguay 3-2.

Arjen Robben (trái) và Dirk Kuyt sau trận Hà Lan thắng Uruguay 3-2.

Càng không phải một Hà Lan “nằm im” trong 45 phút đầu tiên trước khi quật khởi trong 45 phút tiếp theo trước Brazil. Ở đó, Cape Town, người ta thấy một Hà Lan hừng hực lửa chiến đấu, từ những cầu thủ có đóng góp thầm lặng như Dirk Kuyt đến những lão tướng sắp về vườn như Giovanni van Bronckhorst, tất cả đều quyết tâm lao lên phía trước.

Đã 32 năm kể từ lần cuối cùng bóng đá Hà Lan lọt được đến trận chung kết World Cup (1978), đó là một quãng thời gian quá dài. Trong suốt một quá trình vận động đi lên, bóng đá Hà Lan đã sản sinh ra rất nhiều thế hệ tài năng có khả năng nối tiếp chiến công một thời của những đàn anh như Dick Nanninga, Rob Rensenbrink, Rene van de Kerkhof và Willy van de Kerkhof…

Tuy nhiên, bộ ba Hà Lan ma thuật Ruud Gullit, Marco van Basten, Frank Rijkaard hay gần hơn là những Edgar Davids, Patrick Kluivert hay Dennis Bergkamp vẫn chưa một lần giúp Hà Lan tái lập thành tích lọt đến chung kết năm xưa. Giỏi lắm, những Kluivert, Davids, Bergkamp mới chỉ giúp Hà Lan đi đến trận bán kết (World Cup 1998) và chấm hết. Thế nên, những Kuyt, Robben và đặc biệt là Sneijder đang đứng trước cơ hội làm nên lịch sử.

Marco van Basten từng biến tuyển Hà Lan trở thành một “cơn lốc màu da cam thật sự” ở Euro 2008. Ở đó, tuyển Hà Lan không sợ bất kỳ ai, họ sẵn sàng “hủy diệt” cả tuyển Pháp và tuyển Italia (lúc đó vẫn đang là ĐKVĐ thế giới) ở vòng bảng để giành vé vào tứ kết với 3 trận toàn thắng.

Nhưng họ đã “tắt điện” hoàn toàn trước tuyển Nga tràn đầy thể lực và chơi với chiến thuật hợp lý hơn hẳn. Thế nên, Van Basten đã muối mặt rời giải sớm dù đã thổi hồn vào đội bóng một lối đá tấn công hào nhoáng. Không có nhiều kinh nghiệm dẫn dắt đội tuyển, tiếng tăm cũng không nổi như cồn, ông Bert van Marwijk đã chọn một cách tiếp cận khác… an toàn, cẩn trọng hơn và hóa ra lại thành công hơn. Đến giờ, ông đã vượt xa Van Basten.

Cái tố chất chơi tấn công biến hóa vẫn còn ẩn sâu trong máu của từng “người Hà Lan bay”, đặc biệt là trong đôi chân khéo léo và cái đầu đầy thông minh của Sneijder, của Robben… Cộng thêm một chút may mắn và vận hội của lịch sử, tại sao “những người Hà Lan bay” không thể kết thúc trận đấu cuối cùng của mình ở World Cup 2010 bằng một lối đá “bão tố” in hằn trong tính cách và đăng quang ngôi vô địch thật sự xứng đáng?

Người Nam Mỹ cuối cùng

Uruguay đã thật sự cố gắng khi gồng gánh trọng trách thi đấu vì Nam Mỹ nhưng họ đã không thành công. Diego Forlan đã cố gắng hết sức mình, anh đã có một mùa giải thật sự thành công, và chính anh chứ không phải Kaka của Brazil hay Lionel Messi của Argentina mới là cầu thủ Nam Mỹ xuất sắc nhất ở World Cup, tuy nhiên Forlan đã phải chấp nhận thất bại dù anh vẫn ghi được một bàn thắng ngoạn mục trong trận đấu…

Người ta sẽ nhớ mãi Uruguay của World Cup 2010, một Uruguay luôn khát khao chơi bóng một cách nhiệt tình dù những tài năng cá nhân là… có hạn. Trên con đường đi của mình, Uruguay đã giúp “giải quyết” nhà đương kim á quân thế giới (tuyển Pháp), hạ một trong hai đại biểu châu Á lọt đến vòng 2 (Hàn Quốc) và đánh bại đội bóng châu Phi duy nhất có mặt ở tứ kết là Ghana. Họ không thể tiến xa hơn vì lối đá chỉ dựa vào mỗi mình Forlan. Xét cho cùng, đây là kết cục xứng đáng!

TIỂU PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục