Bộ Công thương vừa có văn bản giải trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, trong đó đề xuất nhiều ưu đãi về thuế, phí… cho dự án, bởi phí bảo vệ môi trường quá cao và đây là sản phẩm chế biến sâu nên thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 0%. Đây không phải là lần đầu tiên những đề xuất này được đưa ra nhưng vấn đề trở nên nóng hơn khi các kiến nghị trên đã nhiều lần đưa ra và không nhận được sự đồng thuận.
Kiên trì kiến nghị giảm... thuế, phí
Trong các năm 2012 và 2013, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và cả Bộ Công thương đã từng đưa ra quan điểm với Bộ Tài chính về việc cần giảm thuế, phí đối với dự án khai thác bauxite.
Trong các trả lời kiến nghị, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, các chính sách thuế, phí hiện hành (trong đó có chính sách thuế đối phí môi trường đối với khai thác quặng bauxite) đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật với nội dung đảm bảo thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ.
Đối với tài nguyên khoáng sản, chính sách thuế, phí cần phải được quy định theo nguyên tắc góp phần quản lý, bảo vệ và thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia, nhất là đối với tài nguyên không tái tạo; thúc đẩy khai thác tài nguyên gắn liền với chế biến sâu và góp phần hạn chế tối đa xuất khẩu tài nguyên chưa qua chế biến. Do vậy, cơ quan tham mưu của Bộ Tài chính đề nghị Vinacomin thực hiện theo hiện hành.
Trước đó, để triển khai dự án bauxite Tân Rai, Bộ Tài chính cũng đã có công văn chấp thuận cho Vinacomin được miễn thuế nhập khẩu linh kiện, vật tư lắp đặt do trong nước chưa sản xuất được.
Riêng về mặt hàng xút NaOH (xút dạng rắn và dạng lỏng), trước đề xuất của Vinacomin về việc miễn thuế nhập khẩu đối với xút và chất trợ lắng trong 5 năm, Bộ Tài chính cho rằng, đây là mặt hàng có tên trong danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được. Do vậy, không thuộc diện được hưởng ưu đãi miễn thuế 5 năm, mặc dù cả 2 dự án đều thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, sau đó, trên cơ sở tham khảo ý kiến của các bộ Kế hoạch - Đầu tư, Công thương, Bộ Tài chính đã đồng ý điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu ưu đãi của mặt hàng xút lỏng có hàm lượng từ 42% NaOH trở lên từ mức 20% xuống 3% và áp dụng từ ngày 1-1-2014. Ngoài ra, Vinacomin đã được ưu đãi các loại thuế khác như: tiền thuế đất, miễn thuế nhập khẩu chất trợ lắng… Ngoài ra, Vinacomin còn đang muốn được hưởng vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với 2 dự án này.
Việc tiếp tục có những đề xuất giảm thuế GTGT còn 0%, giảm mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác bauxite (từ mức 30.000- 50.000 đồng/tấn xuống mức 4.000 đồng/tấn) một lần nữa cho thấy “quyết tâm” của Bộ Công thương, Vinacomin trong việc tìm cơ chế đặc thù cho 2 dự án.
Trong khi đó, theo Nghị định 74 về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, mức phí này (không kể dầu thô và khí thiên nhiên) do ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương (nhằm phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường; khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường…).
Vì vậy, theo một chuyên gia tài chính, việc đề xuất giảm phí hoạt động khai thác vốn ảnh hưởng tới môi trường như bauxite là không hợp lý. Thậm chí, để sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính còn đang tiến hành rà soát điều chỉnh tăng phí sử dụng và khai thác tài nguyên theo cấp độ gây ô nhiễm môi trường.
Đã được cảnh báo lỗ
Trong khi Vinacomin luôn cho rằng, các dự án khai thác bauxite Tân Rai và Nhân Cơ có hiệu quả về lâu dài thì những số liệu được công bố mới đây lại cho hình ảnh ngược lại, đúng với những phản biện của các chuyên gia trước đó. Theo báo cáo của Vinacomin, trong giai đoạn 2013-2015, nhà máy Tân Rai lỗ tương ứng 176 tỷ đồng, 252 tỷ đồng và 258 tỷ đồng; còn nhà máy Nhân Cơ đến 2020 vẫn lỗ trên 230 tỷ đồng.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, 2 dự án bauxite đòi hỏi nhiều tốn kém về hạ tầng, hậu quả môi trường… nhưng vẫn lỗ. Bán tài nguyên nhưng vẫn lỗ “là điều không thể hiểu nổi”. TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng, tiếp tục cảnh báo, dựa trên các số liệu về cung cầu cũng như xu hướng giá cả nhôm kim loại trên thế giới thì dự án Tân Rai không có hiệu quả kinh tế, liên tục lỗ. Ông Sơn cũng cho rằng, việc đề xuất giảm thuế, phí… là “không thể hiểu hiệu quả tổng hợp về kinh tế, xã hội của dự án là gì”?!
Tại bản đánh giá về việc triển khai các dự án bauxite tại Tây Nguyên của Liên hiệp Các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), tổ chức này dẫn bản giải trình của Ban Nhôm với Hội đồng quản trị Vinacomin cho biết, dự án xây dựng nhà máy Nhân Cơ sẽ không có hiệu quả kinh tế khi chỉ cần một trong các trường hợp sau xảy ra: tăng thuế xuất khẩu alumin trên 5% (hiện là 0%), phí môi trường trên 15.000 đồng/tấn quặng nguyên khai...
VUSTA cho rằng, chương trình khai thác khoáng sản bauxite, chế biến alumin và luyện nhôm ở Tây Nguyên còn nhiều điểm bất cập như: hiệu quả kinh tế thấp, hiệu quả sử dụng tài nguyên không cao; nguy cơ thua lỗ tài chính nặng nề ở các dự án đang bước đầu được triển khai và sẽ là gánh nặng lớn cho ngân sách quốc gia về sau này.
QUANG MINH