Ngày 8-6, Quốc hội dành trọn một ngày để thảo luận về dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM. Nhiều ĐBQH bày tỏ quan điểm ủng hộ, nhưng cũng không ít ý kiến băn khoăn về chủ trương quan trọng này. “Rằng hay thì thật là hay, nhưng mà bấm nút kỳ này… rất lo!” - là người phát biểu cuối tại phiên thảo luận, ĐB Lê Việt Trường (An Giang) dẫn lời một số ĐB để nói lên nỗi lòng cũng như trách nhiệm của mình về dự án đường sắt cao tốc.
Cơ hội cho tương lai?
Trước phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng đã thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình thêm một số vấn đề liên quan đến dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM mà các ĐBQH đã bày tỏ sự quan tâm trong các phiên thảo luận tổ. So với nội dung đã trình, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đề xuất lùi thời gian khởi công dự án 2 năm (2014 so với dự định ban đầu là năm 2012). Kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định của pháp luật về công trình quan trọng quốc gia và quyết định đầu tư dự án; trong quá trình chuẩn bị đầu tư, Chính phủ nghiên cứu kỹ để sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và khai thác tối ưu các phương thức vận tải khác; căn cứ vào tình hình thực tế về hiệu quả dự án, khả năng huy động các nguồn vốn để quyết định phân kỳ đầu tư các dự án một cách phù hợp, không làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu phát triển bền vững quốc gia. Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội trước khi khởi công xây dựng công trình.
Đa số ý kiến phát biểu ghi nhận sự cần thiết phải đầu tư mạnh mẽ để cải thiện hệ thống giao thông nói chung và trục Bắc - Nam nói riêng, do đặc điểm về địa lý và phân bố dân cư của nước ta. Tuy nhiên, việc xây dựng đường sắt cao tốc có nên coi là lựa chọn cần ưu tiên quyết liệt thực hiện ngay trong một vài năm tới hay không vẫn là vấn đề được tranh luận khá sôi nổi tại nghị trường.
Ngày mai Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trả lời chất vấn đầu tiên * ĐBQH chất vấn về lễ hội tràn lan, xác lập kỷ lục tùy tiện Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh sẽ là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH vào ngày mai, 10-6. Các câu hỏi dành cho ông liên quan đến thu nhập của lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước - đặc biệt là “siêu” Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước SCIC; nợ quốc gia; kiểm soát giá cả... Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng sẽ đối diện với các vấn đề như những hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước quá trình thi công các dự án; giải pháp hạn chế tai nạn giao thông, ách tắc giao thông ở các thành phố lớn. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời về giải pháp bảo đảm nông dân sản xuất lúa có lãi 30% trở lên, trách nhiệm kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi, công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho nông sản, đầu tư xây dựng cơ sở bảo quản, hạn chế nhập khẩu các loại nông sản trong nước sản xuất được; việc cho tổ chức nước ngoài thuê đất rừng biên giới, rừng đầu nguồn... Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hoàng Tuấn Anh sẽ giải trình với QH về tình trạng lễ hội tràn lan, gây lãng phí; thương mại hóa lễ hội; quản lý di tích lịch sử; xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh; xác lập kỷ lục VN tùy tiện, giải pháp xử lý nạn bạo lực trong thể thao... Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đại diện Chính phủ sẽ khép lại phần trả lời chất vấn. Các phiên chất vấn, kéo dài trong 2 ngày rưỡi sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam. |
Theo một số ĐB, một khi được hoàn thành, đưa vào sử dụng, đường sắt cao tốc không chỉ góp phần khai thác tiềm năng dịch vụ, du lịch, mà còn có tác dụng lan tỏa tích cực tới tình hình kinh tế xã hội của đất nước.
ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) đưa ra 3 lý do khiến ông “ủng hộ mạnh mẽ” chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc. Thứ nhất, việc phát triển hạ tầng giao thông có tính quyết định đối với phát triển kinh tế ở Việt Nam. Thứ hai, đã là một nước nghèo chúng ta phải vay để phát triển. Hiện nay các tổ chức quốc tế đánh giá nợ quốc gia của Việt Nam vẫn trong ngưỡng an toàn, các đối tác cho vay vẫn tin tưởng vào khả năng trả nợ của Việt Nam, nghĩa là “Việt Nam là con nợ tốt”. Vì thế, cần phải coi đây là cơ hội để vay vốn làm đường sắt cao tốc. Thứ ba, hình thể tự nhiên địa lý nước ta tạo cho dự án này một vị thế hết sức đắc lợi. “Tôi tin các thế hệ mai sau sẽ cảm ơn nếu chúng ta thông qua chủ trương hết sức chiến lược và có tầm nhìn này” - ông Trừng nói.
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định) cho biết ông từng đi đường sắt cao tốc và thấy rằng phương tiện này phục vụ cho nhu cầu dân sinh kinh tế đạt hiệu quả rất rõ nét. Hơn nữa, xu hướng hiện nay là giảm dùng năng lượng dầu mỏ, chuyển qua điện khí hóa: “Tuy nhiên, Chính phủ nên rút ngắn thời gian thi công để đưa vào hoạt động sớm hơn”.
Trên cơ sở phân tích lộ trình đầu tư trong nhiều năm, ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) ủng hộ mạnh mẽ việc thực hiện dự án: “Đầu tư lãng phí, để lại gánh nặng nợ nần là có lỗi với con cháu, nhưng mà để một hệ thống đường sắt xập xệ, giao thông yếu kém cũng là có lỗi với con cháu. Tôi tán thành cả việc xây dựng đường sắt cao tốc lẫn đường bộ cao tốc”.
Xem lại thời điểm
Nhóm ý kiến khác cho rằng, hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để đầu tư xây dựng một dự án đắt đỏ như vậy. ĐB Sùng Thị Chư (Yên Bái) nêu vấn đề: “Tại sao trên thế giới chỉ có 11 nước làm? Các nước đã làm cũng chỉ làm từng đoạn ngắn. Nhật Bản tự tin đầu tư vì họ có thể tự thiết kế, thi công xây dựng, trong khi ta phải lệ thuộc gần như toàn bộ vào vốn, công nghệ nước ngoài”.
ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) chưa đồng tình với những so sánh tromg báo cáo của Chính phủ về tiềm lực kinh tế tài chính của ta và Nhật Bản hoặc Trung Quốc ở thời điểm các quốc gia này bắt đầu xây dựng đường sắt cao tốc.
Ông khuyến cáo: “Đừng thấy một anh nhà giàu đi sắm ô tô mà anh nhà nghèo cũng quyết đi vay để mua chạy cho nở mày nở mặt. Trong khi đường nông thôn ở ĐBSCL thiếu vốn, dở dang, không đồng bộ”.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) phân tích cả tình hình trong nước và quốc tế để bày tỏ lo lắng về nợ công nếu dự án được thực hiện. Bà trăn trở: “Chúng ta suy nghĩ gì khi đang ngồi bàn dự án “cao sang” này thì vẫn có nhiều người dân phải đu dây qua sông như ở Kon Tum, hay nhiều em học sinh phải qua sông bằng bè mảng đi học ở Lạng Sơn?”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận (đại biểu Quảng Nam) cũng “không yên tâm được bao nhiêu” với những ý kiến lạc quan về dự án. Ông Thuận chia sẻ, bản thân đã có hàng chục năm ở nước ngoài, được tiếp cận những công nghệ, hạ tầng giao thông bậc nhất thế giới nên nhận thấy chưa thể làm đường sắt cao tốc trong điều kiện hiện tại: “Không ai cấm ta mơ ước nhưng phải xét tiềm lực kinh tế và năng lực điều hành. Rất nhiều chục năm nữa đã có nước đưa người lên vũ trụ nhưng không thể vì thế mà nghĩ Việt Nam khi đó và kể cả bây giờ, có đủ tiềm lực đưa người lên vũ trụ”.
Ông Thuận đề nghị nên lùi dự án đến 2020 khi đất nước có điều kiện hơn, con cháu thông minh hơn sẽ làm hiệu quả hơn. Ý tưởng đường sắt cao tốc, theo đại biểu có thể coi như “của để dành, của thừa kế” cho con cháu.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) thẳng thắn hơn khi nhận xét dự án vẫn mang “tư duy của những người đi lại bằng tiền nhà nước”. Ông hỏi rằng 25 năm nữa, liệu có nhiều người sẵn sàng bỏ tiền bằng 3/4 giá vé máy bay để lựa chọn đi tàu cao tốc, bởi “người nghèo ít tiền nhưng nhiều thời gian”, họ có cần thiết đi từ Hà Nội vào TPHCM mất 5 giờ.
ĐB Dương Trung Quốc thắc mắc về thời điểm dự án trình ra QH, bởi đây là kỳ họp cuối của khóa XII, các ĐBQH sẽ rất băn khoăn khi phải bấm nút thông qua một chủ trương lớn: “Cần có nhiều thời gian hơn để tranh thủ ý kiến của xã hội, của nhân dân, không nên quá vội vàng với dự án này”.
ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) đề xuất lập một hội đồng thẩm định của QH để xem xét kỹ hơn dự án này: “Còn nếu phải thông qua nghị quyết ở kỳ họp này, chỉ nên thông qua tên dự án và tên chủ đầu tư, các nội dung còn lại cần tiếp tục xem xét”.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đề nghị QH giao cho Ủy ban Thường vụ QH tổng hợp, xem xét, lựa chọn những vấn đề hợp lý nhất qua thảo luận để đưa vào dự thảo nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM.
Trước ngày 14-6, Ủy ban Thường vụ QH sẽ họp về vấn đề này, sau đó sẽ gửi phiếu xin ý kiến của các ĐBQH. Trước khi trình QH thông qua dự thảo nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ QH sẽ có báo cáo giải trình, tiếp thu về những vấn đề mà ĐBQH quan tâm.
BẢO MINH – ANH THƯ
Tàu cao tốc bánh sắt - nên hay dừng?
Theo nhiều chuyên gia, với tầm nhìn chiến lược 40 - 50 năm sau, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống giao thông bền vững, có sự phát triển hài hòa giữa các phương thức vận tải: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy.
Đường hàng không đầu tư dài hơi, vốn lớn, thời gian đi lại nhanh nhưng không kinh tế trong việc chuyên chở hàng hóa, nhất là hàng siêu trường, siêu trọng. Đường biển có sức chở lớn nhưng tốc độ di chuyển chậm, lại phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết. Đường bộ đầu tư nhanh, mang lại hiệu quả tức thời nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, tai nạn, ô nhiễm môi trường và tiêu tốn nhiều nhiên liệu.
Hiện nay Việt Nam đang đầu tư rất lớn cho đường bộ, dù về lâu dài đường bộ sẽ khó giải quyết căn cơ bài toán phát triển giao thông bền vững.
Đường sắt đầu tư dài hơi hơn, vốn lớn hơn nhưng có ưu thế vận chuyển được khối lượng hàng hóa và hành khách lớn, nhất là với những đoạn đường dài. Đường sắt an toàn hơn đường bộ và không gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn nhiên liệu nhiều như đường bộ. Do đó, đầu tư đường sắt hiện đại là một quyết định đúng đắn. Vấn đề cần cân nhắc kỹ là đầu tư như thế nào, ra sao.
Trên thế giới cơ bản đang có 2 loại đường sắt: cao tốc và thông thường. Trong đó, đường sắt cao tốc có thể đạt tốc độ 350km/giờ và đường sắt thông thường chạy 200km/giờ nếu có đường ray rộng 1,435m. Tuy nhiên, đường sắt cao tốc hiện nay vẫn sử dụng bánh sắt - từng gây tai nạn giao thông làm chết khoảng 100 người ở Đức vì bánh sắt bị sứt, bể khi chạy với tốc độ cao. Chính vì vậy, từ nhiều năm trước, Đức và Nhật đã nghiên cứu một loại hình tàu cao tốc mới an toàn hơn, chạy bằng điện từ, không sử dụng bánh sắt. Loại tàu này đang trong quá trình chạy thử nghiệm ở Đức và Nhật nhưng Trung Quốc đã mua công nghệ này và xây dựng một tuyến đường tàu cao tốc chạy bằng điện từ, đưa đón khách đi và đến sân bay Thượng Hải.
Tàu thông thường, chạy có thể chậm hơn nhưng với tốc độ 200km/giờ đối với Việt Nam cũng đã đạt được yêu cầu đi từ Hà Nội đến TPHCM trong vòng 10 giờ (như phấn đấu của ngành GTVT). Tàu thông thường sẽ có chi phí đầu tư thấp hơn, phù hợp hơn với điều kiện kinh tế hiện nay cũng như mức chi trả của hành khách Việt Nam. Tàu thông thường lại có thể chở được cả hàng hóa và hành khách. Có thể có những khó khăn trong việc vận hành đồng thời hai loại tàu chở người và hàng hóa vì tốc độ chạy hai loại tàu này khác nhau: tàu hàng chở nặng chạy chậm hơn tàu khách. Xem ra, giải bài toán này không khó khi chúng ta có thể làm những đoạn đường tránh cho tàu có tốc độ thấp rẽ vào, nhường đường cho tàu có tốc độ cao đi qua. Do vậy, nên chăng chúng ta đầu tư “liệu cơm gắp mắm” để làm nhẹ gánh nặng trả nợ cho đời sau, nhất là khi thế giới đã và đang nghiên cứu loại tàu cao tốc mới chạy bằng điện từ, có tốc độ 500km/giờ như đã nêu ở trên. Nếu không tính kỹ, 50 năm sau, khi ta hoàn thành dự án, đoàn tàu cao tốc bánh sắt chắc chắn lạc hậu so với sự phát triển của thế giới.
NGUYỄN KHOA ghi