Đan Mạch được coi là một xứ sở của những câu truyện cổ tích dành cho thiếu nhi. Năm 2006 Hội nhà văn (HNV) Đan Mạch đã cùng HNV Hà Nội và NXB Kim Đồng thực hiện dự án “Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch” giai đoạn 1, từ 2006 đến 2010.
- Ba món quà đặc biệt
Theo bà Lê Thị Dắt, nguyên giám đốc NXB Kim Đồng, giám đốc dự án văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch, sau khi khép lại giai đoạn 1, dự án đã mang đến cho nền văn học thiếu nhi trong nước ba món quà đặc biệt.
Món quà đầu tiên đó là một phong cách sáng tác chuyên nghiệp, đặc biệt là sự phối hợp giữa họa sĩ và nhà văn xuyên suốt trong quá trình thai nghén, hình thành và hoàn thiện một tác phẩm thiếu nhi. Trước đây, thường thì nhà văn cứ sáng tác trước, họa sĩ một là đợi nhà văn viết xong thì xem qua hai là nghe qua tác phẩm rồi tự vẽ tranh minh họa theo trí tưởng tượng của mình. Các họa sĩ, nhà văn Đan Mạch đã gợi ý các họa sĩ, nhà văn trong nước một sự phối hợp mới. Bây giờ nhà văn và họa sĩ kết hợp, trao đổi ngay từ đầu để cùng xây dựng ý tưởng cho tác phẩm, tranh vẽ không chỉ minh họa mà sẽ có cả ảnh hưởng ngược lại chính bản thân người sáng tác.
Món quà thứ hai dành tặng cho bạn đọc nhất là bạn đọc nhỏ tuổi, đó là chương trình “Chuyến tàu kể chuyện”. Đây là một hành trình do các nhà văn, họa sĩ của dự án tổ chức, tại mỗi địa phương, chuyến tàu tổ chức giao lưu với thiếu nhi, trao tặng sách, hỗ trợ thành lập các CLB bạn đọc. Trong 5 năm thực hiện, chương trình đã thành lập được 15 CLB đọc sách tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, từ Thái Nguyên, Tuyên Quang, Sơn La đến Thanh Hóa, Hòa Bình, Hà Nội…
Các cuộc thi văn học thiếu nhi là món quà thứ ba giàu ý nghĩa nhất mà dự án mang lại cho thiếu nhi Việt Nam. Điều đáng nói là trong 4 lần tổ chức thì đến 3 lần chủ đề của các cuộc thi là sáng tác theo phong cách giả tưởng-huyền ảo, dạng sáng tác được bạn đọc nhỏ tuổi hết sức ưa chuộng, hầu hết tác phẩm văn học thiếu nhi dịch trong vòng 10 năm trở lại đây đều là dạng này. Thế nhưng, việc sáng tác ở trong nước theo phong cách này hầu như rất ít được quan tâm, hiếm hoi lắm mới có 1-2 tác phẩm. Thậm chí, bà Lê Thị Dắt cho biết là trong những lần tổ chức thi sáng tác đầu tiên, rất nhiều tác giả gửi tác phẩm về dự thi còn không biết thế nào là giả tưởng huyền ảo, hầu hết đều cho đó chỉ là một kiểu giấc mơ, mơ xong là thôi mà không biết các sáng tác dạng này ở nước ngoài đã có sự mở rộng bao la, kích thích trí tưởng tượng của bạn đọc đến tận cùng.
- Người viết, người vẽ cùng sáng tạo
Giai đoạn 2 của dự án “Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch” dự kiến sẽ bắt đầu từ năm 2011 kéo dài đến hết năm 2015. Trên cơ bản thì giai đoạn 2 là sự phát triển thêm của giai đoạn 1 như việc mở thêm các cuộc hội thảo, trao đổi về sáng tác văn học thiếu nhi ở quy mô cả nước thay cho tập trung vào một vùng như trước đây. Đổi tên chương trình “Chuyến tàu kể chuyện” thành “Kể chuyện cho em” và phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam để phát sóng trên cả nước.
Riêng ở các cuộc thi văn học thì giai đoạn 2 này khác biệt so với giai đoạn 1. Đó là sự phân chia bạn đọc cụ thể hơn. Đầu tiên là thể loại truyện tranh dành cho đối tượng từ 3 đến 6 tuổi. Lứa tuổi này hầu hết chưa biết đọc nên các sáng tác, như nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi Trần Quốc Toàn nhận định là dạng “Truyện người lớn đọc, trẻ em nghe”. Đây là một dạng sách cho thiếu nhi đòi hỏi người viết người vẽ cùng sáng tạo vì tranh vẽ ở đây không chỉ mang tính minh họa mà còn đóng vai trò chuyển tải một phần quan trọng câu chuyện đến thiếu nhi.
Thể loại thứ hai là truyện ngắn cho bạn đọc từ 10 đến 14 tuổi. Đây là lứa tuổi giàu mộng mơ, các sáng tác cho lứa tuổi này không đòi hỏi sự suy tư quá cao nhưng lại có yêu cầu lớn về trí tưởng tượng của tác giả. Việc phân chia lứa tuổi nhằm tạo điều kiện cho văn học thiếu nhi phát triển toàn diện và hợp lý.
TƯỜNG VY