Dự án tỷ đô “thống lĩnh” vốn FDI

Tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn đối mặt với không ít khó khăn. Tuy nhiên, việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam vẫn ở mức cao. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), tính đến ngày 20-8, cả nước có 769 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,405 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2012 và 297 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,22 tỷ USD, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2013, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 12,63 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2012. Kết quả này cho thấy, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đang dần được cải thiện và ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư.

Tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn đối mặt với không ít khó khăn. Tuy nhiên, việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam vẫn ở mức cao. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), tính đến ngày 20-8, cả nước có 769 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,405 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2012 và 297 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,22 tỷ USD, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2013, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 12,63 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2012. Kết quả này cho thấy, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đang dần được cải thiện và ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, có một điều cần quan tâm trong việc thu hút nguồn vốn FDI những tháng đầu năm của Việt Nam là nguồn vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào nhóm dự án tỷ đô, chứ tổng vốn đăng ký tính trung bình cho mỗi dự án vẫn rất thấp. Trong tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm của 8 tháng đầu năm thì 4 dự án tỷ đô, gồm dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), dự án sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (nhà đầu tư Singapore), dự án xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe buýt và các dịch vụ hỗ trợ khác tại Bình Định của Công ty TNHH Bus Industrial Center (Liên bang Nga), dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh đã chiếm tới phân nửa số vốn FDI mà Việt Nam thu hút được từ đầu năm tới nay (6,8/12,63 tỷ USD). Như vậy, nếu trừ 4 dự án nêu trên, trong 8 tháng qua Việt Nam chỉ mới thu hút được khoảng 5,83 tỷ USD và nếu tính trung bình cho các dự án còn lại thì mỗi dự án FDI chỉ có vốn đầu tư khoảng 5,48 triệu USD. Điều này cho thấy, sự hồi phục của dòng vốn FDI vào Việt Nam chưa thực sự mạnh mẽ.

Tại hội nghị giữa lãnh đạo TPHCM với các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra vào ngày 30-8 vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra quan ngại với môi trường đầu tư của Việt Nam và cho rằng nếu Việt Nam không có chính sách cải thiện môi trường đầu tư sẽ khó cạnh tranh với một số nước trong khối ASEAN. Bà Nicola Connolly, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Eurocham (châu Âu) cho rằng, hiện nay môi trường đầu tư là một trong những vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại nhất khi đầu tư vào Việt Nam.

Để việc thu hút đầu tư ngày càng cao và nhà đầu tư thực sự yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần có những biện pháp cải thiện môi trường đầu tư một cách mạnh mẽ. Cụ thể, cần đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, trong đó hơn lúc nào hết cần thiết phải có một cơ quan đứng đầu, làm tổng chỉ huy về thu hút đầu tư, bởi hiện nay có nhiều bộ, ngành tham gia, nhiều quan điểm khác nhau sẽ làm khó doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Đầu tư mạnh cho hệ thống điện, giao thông; tập trung đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động nhằm tiếp cận các quy trình sản xuất hiện đại; tổ chức các hội nghị tiếp xúc và đối thoại với nhà đầu tư nước ngoài để lắng nghe, tiếp thu, giải quyết các vướng mắc khó khăn về chính sách cho nhà đầu tư.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục