
Dịch vụ “đón gió”
…Buổi trưa, tấm băng rôn quảng cáo giới thiệu về hội thảo du học được tổ chức vào ngay buổi tối cùng ngày tại một khách sạn ở quận 3 được vội vã căng lên. Điểm đến là một trường “quốc tế” ở Thụy Sĩ cùng dòng quảng cáo khá hấp dẫn nhưng cũng hết sức nhập nhằng “tặng máy tính xách tay – vé máy bay – miễn phí dịch vụ”. Đơn vị tổ chức là một công ty, theo quảng cáo, có 3 văn phòng đại diện ở phía Bắc và Nam…
Đã quá giờ khai mạc nhưng số người tham dự hội thảo chỉ có mươi người, lõng bõng trong căn phòng hơn 50 ghế. Người ta giới thiệu về một chương trình du học mà ai nghe cũng phát ham, nào là “chi phí thấp, tiết kiệm thời gian, thủ tục đơn giản, không cần chứng minh tài chính, cơ hội nhận học bổng trị giá 5.000 CHF (4.300 USD), dịch vụ chăm sóc sinh viên chu đáo…”.

Tìm kiếm cơ hội du học là nhu cầu của nhiều sinh viên học sinh.
Thuyết phục hơn, người ta dẫn chứng một bài toán khá đơn giản: học phí 13 - 17 ngàn USD/năm, sinh viên được làm thêm với thu nhập 9 - 15 ngàn USD/năm, được nhận học bổng trị giá 3 - 4 ngàn USD. Như vậy, “chỉ với tiền làm thêm và học bổng, bạn đã đủ chi phí cho việc học”.
Đối với chương trình sau đại học, “nếu có học bổng và làm thêm, bạn sẽ đủ trang trải chi phí học tập và còn dành dụm được mỗi tháng khoảng 1.000 CHF”. Vài bạn trẻ gật gù, nói nhỏ “như vậy là không tốn tiền cha mẹ”, còn một bạn trẻ khác thốt lên “quá lý tưởng và hấp dẫn!”.
Có một điều mà các bạn trẻ, nếu thiếu kinh nghiệm, sẽ không nhận ra: điều kiện đầu vào tiếng Anh khá cao: IELTS 5.0. Nếu không đạt điều kiện này, bạn phải học lớp tiếng Anh cấp tốc với giá gần 16 ngàn USD, chưa kể chi phí ăn ở. Chưa hết, nếu được chấp nhận vào học, học viên phải có sổ tiết kiệm hơn 14 ngàn USD, phải trả trước học phí là 19 ngàn CHF, tiền “đặt cọc” là 2.300 CHF và nhiều khoản tiền khác mà người ta chưa nêu hết…
“Đón gió” cho mùa hè 2005, thời gian gần đây, nhiều công ty tư vấn du học đã rầm rộ quảng cáo các cơ hội du học. Người ta đã không ngại quảng cáo với những từ ngữ “đao to búa lớn” như “không cần chứng minh tài chính, không cần điểm TOEFL”, “học 2 năm rưỡi, nhận 2 bằng diploma” “du học Hà Lan, miễn giảm 80% học phí, không yêu cầu TOEFL hay IELTS” “du học Anh, học bổng 20%” hay “không có visa, không lấy tiền” (?!).
- Sự thật và cái giá phải trả
Lời mời gọi “miễn phí dịch vụ, không có visa không lấy tiền” là chiêu thức đầu tiên của một số công ty du học và không ít phụ huynh đã mắc bẫy. Sau khi “tư vấn miễn phí” – thực ra là chào mời – nếu khách hàng đồng ý, hai bên sẽ ký hợp đồng và có giá hẳn hoi. Có nơi lấy 800 USD, có nơi 1.000 USD mà theo một chuyên gia về du học thì đây là giá… cắt cổ.
Nhiều tiết mục tiếp theo như dịch thuật, công chứng, xin giấy thông hành, phí phỏng vấn… khách hàng phải tự lo tất. Khoản xin visa mới… bi kịch. Thực ra, các công ty không thể can thiệp vấn đề visa. Nhưng nếu có visa thì phải thưởng công ty từ 1.000 – 2.000 USD; nếu không có thì công ty không lấy tiền. Có nghĩa là mọi việc kết thúc nhưng tiền ký hợp đồng thì đã… chung đủ!
Không thể phủ nhận điều “thật” nhất mà một số công ty du học quảng cáo là du học sinh không cần chứng chỉ TOEFL hay IELTS vẫn có thể cầm tấm vé máy bay sang trời Tây. Nhưng “hồi sau sẽ rõ”… Không có ngoại ngữ, du học sinh không thể đặt chân vào học thẳng các chuyên ngành đào tạo mà phải qua các lớp học ngoại ngữ, thời gian từ 6 đến 9 tháng. Như chương trình du học Thụy Sĩ của công ty nói trên, học sinh phải tốn khoảng 16 ngàn USD tiền học ngoại ngữ 9 tháng, 5 ngàn USD chi phí ăn ở, 2 ngàn USD tiền bảo hiểm, sơ sơ là 23 ngàn USD – một chi phí không nhỏ. Nếu học và kiểm tra không đạt, học sinh phải học lại thì chi phí trở thành “hiểm họa” đối với phụ huynh.
Anh Ch…, nghe lời một công ty nọ đưa con sang học tại Thụy Sĩ. Quảng cáo một đàng nhưng thực tế một nẻo. Năm đầu tiên bươn chải kiếm trường, học tiếng… anh tính sổ sơ sơ “tốn gần 600 triệu”. Anh kể: “Thằng nhỏ cũng đi làm thêm. Làm mà ký hợp đồng thì phải chịu thuế nên làm chui. Cuối cùng, chủ trả không đúng như giao ước…”. Trước đó, nhiều phụ huynh đã hè nhau làm đơn kiện một công ty du học nọ đưa du học sinh sang Hà Lan rồi “đem con bỏ chợ”, không đưa đón, chăm sóc… nhưng vẫn ăn vài ngàn đô la tiền chi phí “ma” mỗi trường hợp.
Một kiểu quảng cáo nữa đánh lừa nhiều phụ huynh là “du học sinh sẽ được học chuyển tiếp sang Mỹ, Úc…” hoặc “học bổng 20% – 50%”. Thực chất, “học bổng” loại này chỉ là giảm tiền học phí, còn nhiều khoản phí khác, phụ huynh phải è cổ ra đóng. Đến nay, vẫn còn nhiều phụ huynh tiếp tục đưa đơn kiện Công ty Du học
Song Du vì quảng cáo “được học chuyển tiếp sang Mỹ” nhưng khi du học sinh sang đến Bắc Síp thì Song Du đã… phủi tay!
Bên cạnh không ít những đơn vị dịch vụ du học làm ăn đàng hoàng, một số công ty du học đã đua nhau ra đời, chạy theo lợi nhuận – vừa ăn tiền hợp đồng với khách hàng, vừa ăn hoa hồng các trường nước ngoài – nên đã không ngần ngại quảng bá “trên mức sự thật”. Phụ huynh do thiếu thông tin, không rành rẽ chuyện giấy tờ nên phải nhắm mắt đưa chân, còn du học sinh thì lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan nơi đất người. Nên cảnh giác kiểu du học giá rẻ như cơm… bình dân!
THƯ LÊ