Nội dung hợp tác giữa hai bên tập trung các lĩnh vực như công nghệ biển; công nghệ môi trường; công nghệ thông tin; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về lĩnh vực logistic, kỹ thuật hạt nhân, công nghệ xây dựng, đô thị thông minh, trí tuệ nhân tạo, môi trường, nông nghiệp, vật liệu mới, kỹ thuật hàng không, quản lý hệ thống giao thông thông minh,...
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đánh giá việc Trường Đại học Bách khoa TPHCM mở phân hiệu tại tỉnh sẽ đào tạo không chỉ riêng cho tỉnh Khánh Hòa mà còn cho cả nước nguồn nhân lực chất lượng cao. Trường cần lưu ý trường hợp liên kết, sử dụng cơ sở và nguồn lực của một trường cao đẳng ở Nha Trang, nhằm sớm đưa phân hiệu trường vào hoạt động hiệu quả.
Thời gian tới, sau khi sáp nhập tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hoà, tỉnh mới tiếp tục triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước. Đồng thời, tỉnh Khánh Hòa đang nghiên cứu để hình thành đô thị dịch vụ hạt nhân theo định hướng của Trung ương, dự kiến nằm gần 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận hiện nay.

GS.TS. Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết, việc trường mở phân hiệu tại Khánh Hòa nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận cho học sinh trong khu vực, đồng thời góp phần cung ứng nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ phát triển kinh tế đặc thù của địa phương. Nếu thuận lợi, trường dự kiến đưa phân hiệu hoạt động chính thức từ tháng 9-2027.
Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định chấp thuận địa điểm xây dựng phân hiệu Trường Đại học Bách Khoa TPHCM trên khu đất rộng 4,3ha thuộc Khu trường học, đào tạo và dạy nghề Bắc Hòn Ông, tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang. Đồng thời, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thành lập Tổ công tác xúc tiến hợp tác giữa hai bên để chủ động triển khai các nhiệm vụ, phối hợp, xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh.