Du lịch “mạnh ai nấy làm”

Tăng giá vô lý
Du lịch “mạnh ai nấy làm”

Ngoài việc điện, xăng dầu tăng giá kéo theo sự tăng giá của các dịch vụ vận tải du lịch, nhà hàng, khách sạn; các công ty lữ hành và du khách còn đối mặt với việc “té nước theo mưa” của nhiều điểm du lịch - nơi được xem chẳng liên quan gì đến tăng giá… nhưng cũng tăng giá! Việc tăng giá tùy tiện này đã và đang gây bất lợi cho du lịch nội địa.

Các điểm du lịch ở miền Trung vẫn giữ nguyên giá vé vào cổng tham quan. Trong ảnh: Du khách quốc tế tham quan lăng Tự Đức (Huế). Ảnh: BẢO NGỌC

Các điểm du lịch ở miền Trung vẫn giữ nguyên giá vé vào cổng tham quan. Trong ảnh: Du khách quốc tế tham quan lăng Tự Đức (Huế). Ảnh: BẢO NGỌC

Tăng giá vô lý

Thời gian qua, với việc điều chỉnh tăng giá điện và 2 lần tăng giá xăng dầu đã đẩy giá dịch vụ du lịch tăng cao. Các công ty du lịch tại TPHCM cho biết, hiện nay hầu hết các dịch vụ liên quan đến hành trình du lịch trong nước đều tăng. Do vậy, giá tour bán ra cũng tăng khoảng 20%-30% so với cách đây 4 tháng. Các hãng hàng không trong nước cũng vừa điều chỉnh tăng giá vé lên khoảng 20% so với trước, giá vé máy bay khứ hồi TPHCM-Hà Nội (giá trần) đã tăng lên gần 5 triệu đồng. Việc này thêm áp lực cho các doanh nghiệp (DN) lữ hành trong việc xây dựng giá tour để thu hút khách và cạnh tranh với các tour đi nước ngoài. Tuy nhiên, điều làm nhiều DN cũng như du khách bức xúc, đó là việc “té nước theo mưa”, ăn theo làm giá của nhiều điểm đến, thắng cảnh du lịch, qua việc tăng giá vé vào cổng tham quan.

Các DN lữ hành cho rằng, có nhiều điểm du lịch không dính dáng gì đến việc tăng giá điện, xăng dầu; chỉ khai thác cái tự có, chẳng đầu tư gì nhưng vẫn lấy cớ để điều chỉnh giá vé vào cổng. Hiện nhiều điểm du lịch ở Đà Lạt như đồi Mộng Mơ, núi Langbiang tăng 50%, thậm chí có nơi tăng gần 100% giá vé vào cổng tham quan.

Trước đây, giá vé vào cổng tham quan núi Hàm Rồng ở Sapa (Lào Cai) chỉ có 30.000 đồng/người, nay điểm du lịch này đưa vào khai thác chương trình văn nghệ nên đẩy giá vé lên 100.000 đồng/người. Việc cộng gộp “2 trong 1” này là ép khách phải xem biểu diễn văn nghệ. Núi Hàm Rồng là điểm nhấn trong hành trình tour khi đến Sapa, nếu không đưa Hàm Rồng vào thì tour nghèo nàn, còn ngược lại, chi phí bỏ ra tăng thêm. Hiện nay, chỉ có các điểm du lịch ở miền Trung như Nha Trang, Huế… vẫn giữ nguyên giá vé vào cổng. Còn lại, hầu hết các điểm du lịch ở Đà Lạt, phía Bắc đều điều chỉnh tăng giá vé vào cổng, giá dịch vụ.

Trước việc tăng giá vô lý tại nhiều điểm du lịch, danh thắng hiện nay, các công ty du lịch đã tính bước “tẩy chay” những điểm này. Thay vào đó, các tour sẽ được điều chỉnh đến điểm mới, du khách vẫn đảm bảo chương trình tham quan.

Giảm sức cạnh tranh

Chuẩn bị mùa du lịch hè sắp tới, ngành du lịch của các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia… kết hợp với hãng hàng không đã xây dựng giá bán tour khá hấp dẫn để thu hút khách từ Việt Nam.

Bà Trần Đặng Minh Uyên, Phó giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt cho rằng, hiện nay một tour TPHCM đi Hà Nội trong 6 ngày 5 đêm, với giá 10 triệu đồng/người trọn gói như trước đây, DN không thể xoay xở được. Trong khi đó, tour đi Thái Lan, trong 6 ngày 5 đêm, giá tour được chào bán khoảng 8 triệu đồng/người, có nơi còn rẻ hơn. Giá tour đi nước ngoài rẻ hơn trong nước khiến các DN lữ hành nội địa đang hụt hơi cho bài toán cạnh tranh dịp hè này.

Chúng ta đã nói rất nhiều về cái yếu và thiếu của du lịch Việt Nam. Không cần so sánh với Thái Lan hay Singapore, ngay Campuchia, nước đi sau Việt Nam trong phát triển kinh tế, nhưng họ lại có cách làm du lịch chuyên nghiệp hơn ta nhiều! Từ nhiều năm nay, giá tour trọn gói đi Campuchia trong 4 ngày 3 đêm bằng đường bộ vẫn giữ mức trung bình 200 USD/người. Để có chiến lược thu hút khách du lịch quốc tế, Chính phủ Campuchia đã xây dựng chính sách không tăng giá trong nước. Kết quả, khách đến từ Việt Nam đã vượt qua khách Hàn Quốc, dẫn đầu lượng khách quốc tế đến đất nước Chùa Tháp, với hơn 460.000 lượt khách Việt Nam đến Campuchia trong năm 2010.

Với biến động giá cả đầu vào hiện nay, các công ty lữ hành chọn giải pháp giảm lãi thậm chí không lãi để giữ khách. Việc hợp lực, mỗi nơi, mỗi chỗ giảm giá một chút thì ngành du lịch trong nước mới đứng vững được. Nhưng từ lâu, ngành du lịch Việt Nam không có được tiếng nói chung. Cơ quan du lịch chưa thể hiện được vai trò kết nối với DN. Các biện pháp chấn chỉnh cũng chẳng đến đâu và kết quả mặc ai nấy làm, tăng giá bao nhiều cứ tăng, nơi nào thu phí được cứ thu…

Du lịch “mạnh ai nấy làm” ở Việt Nam hiện nay đã làm du lịch trong nước mất sức cạnh tranh.

Mỹ Hạnh

Tin cùng chuyên mục