Dự thảo Luật Dược (sửa đổi): Chồng chéo quản lý giá thuốc

Ma trận… giá thuốc
Dự thảo Luật Dược (sửa đổi): Chồng chéo quản lý giá thuốc

Một trong những vấn đề về quản lý dược khiến người dân bức xúc trong nhiều năm qua là giá thuốc với sự biến động “chỉ có tăng và tiếp tục tăng”. Đến nay, trách nhiệm quản lý giá thuốc vẫn chưa thống nhất, “quả bóng” giá thuốc cứ bị đá qua - đá lại và rồi… huề cả làng! Chỉ có người bệnh chịu thiệt. Vậy với dự thảo Luật Dược (sửa đổi), giá thuốc có được kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm quyền lợi người dân?

Ma trận… giá thuốc

Một trong những dấu mốc quan trọng trong quản lý giá thuốc là năm 2011, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã có được Thông tư liên tịch số 50/2011 (Thông tư 50) có hiệu lực từ 1-6-2011, thay cho Thông tư 11 năm 2007. Theo Thông tư 50, việc quản lý giá thuốc thành phẩm bao gồm: kê khai, kê khai lại giá thuốc; niêm yết giá thuốc; quản lý giá thuốc do ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế chi trả và nguồn thu viện phí.

Nguyên tắc quản lý nhà nước về giá thuốc là các cơ sở kinh doanh thuốc tự định giá, cạnh tranh về giá, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngay ở khâu kê khai giá thuốc, cơ sở kinh doanh thuốc đã lách rất tinh vi.

Một giám đốc công ty dược thổ lộ: “Thường mỗi lần kê khai giá phải đón đầu từ 3 - 6 tháng. Nghĩa là đáng ra một hộp thuốc giá tại thời điểm khai báo 10.000 đồng thì phải khai 20.000 - 30.000 đồng để… bù trượt giá”.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp dược cho rằng mỗi lần xin kê khai là mỗi lần khó nên cứ khai cao lên, nếu cơ quan quản lý có “thổi còi” thì lại hạ xuống một tý nhưng vẫn còn “lời” chán! Điều đáng nói, Thông tư 50 vẫn chưa thể “nắm” được việc kê khai giá thuốc nhập khẩu trong khi thuốc nhập khẩu chiếm hơn 50% thị phần trong nước. Nhất là việc quản lý giá thuốc hiện hành thì không diệt được “liên minh ma quỷ” nâng giá thuốc lên cao.

Không kiểm soát tốt giá thuốc, người dân sẽ bị móc túi… oan

Một cổ, bốn tròng!

Một  số chuyên gia dược học cho rằng qua triển khai Luật Dược 2005 và các văn bản dưới luật đã kiểm soát khá hiệu quả về giá thuốc. Tuy nhiên, trên bình diện chung, theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, vẫn chưa quản lý hết được giá thuốc, nhất là đối với thuốc nhập khẩu, thuốc biệt dược, phân phối độc quyền.

“Về quy định là không cho doanh nghiệp có vốn nước ngoài phân phối thuốc tại Việt Nam, nhưng thực tế là khi thuốc nhập vào nước ta đã lòng vòng qua mấy khúc, thổi lên mấy giá”, PGS-TS Phong Lan phân vân vì dự thảo Luật Dược (sửa đổi) chưa đề cập rõ việc quản lý giá thuốc.

Tình trạng thuốc quý hiếm, thuốc đặc trị thường bị độc quyền và nâng giá vô tội vạ. “Nếu người dân không mua thì không có thuốc điều trị. Mà mua thì phải cắn lưỡi chịu giá cắt cổ”, một lãnh đạo bệnh viện chia sẻ.

Về lý thuyết, lâu nay việc quản lý giá thuốc của nước ta là “bảo đảm giá thuốc không cao hơn giá thuốc tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam” nhưng Bộ Y tế thừa nhận thực tế chưa xác định được điều kiện y tế, thương mại của các nước tương tự nước ta! Mặt khác, có những thuốc nhập vào bán ở nước ta nhưng ở các nước tương tự điều kiện y tế - kinh tế lại không bán, thì không thể đối chiếu được.

Với quy định “cơ quan nhà nước có thẩm quyền định kỳ công bố giá tối đa đối với các loại thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả”, Bộ Y tế cũng chưa thực hiện được, với lý do là Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu sản xuất thuốc và trên 50% thuốc thành phẩm nên giá thuốc tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường nguyên liệu và giá thuốc quốc tế! Chính vì “chưa thực hiện được” nên trong dự thảo Luật Dược (sửa đổi), Bộ Y tế bỏ luôn phần quy định tham khảo giá thuốc tại các nước có điều kiện y tế, thương mại tương tự Việt Nam và không quy định công bố giá tối đa đối với thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả!

Trong khi đó, trách nhiệm quản lý giá thuốc vẫn được dự thảo Luật Dược (sửa đổi) quy định tới 4 bộ, ngành liên quan; trong đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc. Như vậy, giá thuốc vẫn chưa hết “một cổ, nhiều tròng” vì không chỉ chịu sự quản lý của Bộ Y tế mà còn có cả Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành. Xem ra, việc quản lý giá thuốc vẫn chưa hết chồng chéo và lại tiếp tục vòng lẩn quẩn “cha chung không ai khóc”!

Theo tiến sĩ Huỳnh Hiền Trung, Trưởng khoa Dược Bệnh viện Nhân dân 115, mua bán lòng vòng qua nhiều tầng nấc trung gian, độc quyền phân phối là những yếu tố khiến giá thuốc luôn cao ngất ngưởng. Ghi nhận cho thấy, có loại thuốc nhập về Việt Nam thông qua 2 khâu trung gian giá đã tăng lên gấp 3 lần, còn lòng vòng 7 - 8 trung gian, khi đến tay người bệnh giá tăng gấp 9 - 10 lần. Có những mặt hàng thuốc khi kiểm tra giá nhập khẩu chỉ bằng 50% giá kê khai, còn khi so sánh giá bán tại nhà thuốc có khi chênh lệch tới 3 lần (300%).

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục