Dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Tập trung cho ngân hàng đề thi quốc gia

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 (gọi tắt là dự thảo) để lấy ý kiến đóng góp của xã hội từ nay đến ngày 17-5. Ngay khi dự thảo công bố, Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà giáo, chuyên gia về những nội dung mà bộ đã dự kiến cho việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại điểm thi Trường THPT An Nghĩa, huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại điểm thi Trường THPT An Nghĩa, huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

PGS-TS HUỲNH VĂN CHƯƠNG, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT): Xem xét nhiều khía cạnh, phân tích đa chiều về phương án thi

Ngoài địa chỉ tiếp nhận ý kiến góp ý là Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cũng đã công bố cả email của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (hvchuong@moet.gov.vn) để tiếp nhận ý kiến của xã hội, các chuyên gia, nhà giáo dục. Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe các ý kiến và thông tin gửi về, phân tích kỹ để chỉ đạo các đơn vị tham mưu xử lý. Hiện phương án thi từ năm 2025 mới là dự thảo, sẽ tiếp tục lấy ý kiến xã hội. Bộ GD-ĐT sẽ xem xét nhiều khía cạnh, phân tích đa chiều theo báo chí và dư luận xã hội, sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ GD-ĐT dự kiến một phương án thi nhưng xã hội có thể đề xuất thành một số phương án hợp lý hơn. Do đó, để có một phương án hợp lý nhất cần nghiên cứu để đi đến phương án sao cho có sự đồng thuận cao nhất.

Một trong những nội dung đáng chú ý nhất theo dự thảo là thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn học bắt buộc, gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn lựa chọn trong số 4 môn đã chọn học. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 môn bắt buộc, gồm Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn lựa chọn trong số 4 môn đã chọn học. Trong dự thảo phương án mà Bộ GD-ĐT công bố lấy ý kiến, 2 môn tự chọn này hoàn toàn do học sinh chọn, không quy định cứng môn thuộc khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, tạo sự linh hoạt cho học sinh; đồng thời bảo đảm định hướng nghề nghiệp, khối thi đại học mà thí sinh lựa chọn.

Cô TRẦN THỊ HUYỀN, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình, TPHCM): Tránh tình trạng “chống liệt” môn Lịch sử

Tôi tán thành việc đưa môn Lịch sử thành một trong các môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hiện nay, dạy và học môn này ở bậc phổ thông hướng đến việc giáo dục học sinh ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh đất nước hội nhập và đẩy mạnh giao lưu quốc tế, việc tạo điều kiện cho học sinh hiểu biết nhiều hơn về lịch sử dân tộc là cần thiết.

Chương trình lớp 10 hiện có nhiều thay đổi so với trước đây, sách giáo khoa được biên soạn bắt mắt hơn với nhiều hình ảnh đẹp. Nếu chương trình cũ tổ chức kiến thức Lịch sử theo kiểu vòng tròn đồng tâm thì nay đổi mới theo hướng tổ chức kiến thức theo chủ đề, mỗi năm học một chủ đề riêng, tăng tính hấp dẫn học sinh. Phương pháp kiểm tra, đánh giá môn Lịch sử trong các trường phổ thông hiện nay cũng đổi mới theo hướng không yêu cầu học thuộc lòng mà thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tìm hiểu và sưu tầm tài liệu, tích hợp kiến thức liên môn giúp học sinh không cảm thấy nhàm chán.

Hiện nay, số lượng tổ hợp xét tuyển đại học có môn Lịch sử không nhiều, kể cả nhóm ngành khoa học xã hội nên chủ yếu học sinh chỉ đặt mục tiêu đủ điểm đậu tốt nghiệp, còn lại dồn sức cho các môn xét tuyển đại học. Do đó, nếu môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thì đề thi cần biên soạn theo hướng không đặt nặng yêu cầu kiến thức hàn lâm, độ phân hóa phù hợp nhu cầu học tập của học sinh. Ngoài ra, cần có chính sách ưu tiên xét tuyển đại học đối với học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố môn Lịch sử để thu hút thêm người học.

Cô TRẦN THỊ MINH ĐỨC, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM): Sớm đầu tư trang thiết bị, máy móc

Dự thảo tính đến phương án tổ chức cho học sinh làm bài thi trên máy tính. Tôi cho rằng đây là đề xuất cần thiết trong bối cảnh toàn ngành đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh. Nếu phương án được thông qua, các trường phổ thông có thuận lợi là đội ngũ giáo viên Tin học với đầy đủ năng lực, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu đổi mới. Về cơ sở vật chất, hiện nay toàn bộ lớp học ở Trường THPT Đào Sơn Tây đều được trang bị wifi, tivi kết nối internet. Ngoài ra, 3 phòng máy tính với tổng công suất phục vụ 135 học sinh/buổi học được trang bị đường truyền internet tốc độ cao. Tuy nhiên, nếu quy chế thi mới được thông qua, học sinh cần sớm được làm quen hình thức thi mới để không bỡ ngỡ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh thi trên máy tính, các tỉnh, thành phố cần ban hành văn bản hướng dẫn đầu tư kinh phí cải tạo máy móc, trang thiết bị cho các trường THPT.

Hiện nay, ngoài môn Tin học được tổ chức thi hoàn toàn trên máy tính, học sinh còn được tham gia nhiều hoạt động học tập và kiểm tra, đánh giá trên máy tính. Tuy nhiên, việc triển khai chưa mang tính đại trà ở tất cả khối lớp. Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT đòi hỏi sự tập trung cao độ của thí sinh cũng như quá trình tổ chức đồng bộ giữa các đơn vị trường học. Vì vậy, việc chia sẻ kinh nghiệm giữa giáo viên trong các tổ, nhóm sinh hoạt theo cụm chuyên môn sẽ giúp các trường kịp thời đổi mới phương pháp một cách đồng bộ.

Th.S PHẠM THÁI SƠN, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM: Phải tập trung cho ngân hàng đề thi

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc thi tốt nghiệp trên máy tính. Đầu tiên, địa phương nào có điều kiện thì tổ chức thi tốt nghiệp trên máy tính trước. Địa phương nào chưa có điều kiện thì triển khai sau nhưng tới năm 2030 bắt buộc phải tổ chức thi trên máy tính. Hiện nay, công nghệ thông tin đã trở nên phổ biến nên bắt buộc thi trên máy tính. Xem qua dự thảo, tôi thấy điểm rất mới và đáng quan tâm, đó là môn Lịch sử đã được quan tâm và trở thành môn thi bắt buộc. Tuy nhiên, theo tôi thì đề thi nên ở dạng suy luận, đừng bắt học sinh phải ghi nhớ các sự kiện. Thi Lịch sử là đúng vì nếu học sinh không nhớ lịch sử của đất nước Việt Nam thì rất nguy hiểm, nhưng phải thay đổi cách thi và cả cách dạy môn này. Lịch sử rất hay, rất cần thiết cho thế hệ trẻ nhưng phải làm sao để giảng dạy và thi môn này thật sự thu hút.

Vấn đề quan trọng nhất là ngân hàng đề thi. Do đó, Bộ GD-ĐT phải quyết tâm lớn về nhân lực, tài lực để xây dựng ngân hàng đề thi thì mới đạt được mục tiêu như kỳ vọng để đánh giá đúng năng lực của học sinh, từ đó làm cơ sở điều chỉnh lại chương trình phổ thông. Ngoài ra, sau mỗi kỳ thi, Bộ GD-ĐT nên rà soát lại ngân hàng đề thi và quy tụ những chuyên gia, giáo viên giỏi ra đề thi để đưa vào ngân hàng đề thi. Nếu Bộ GD-ĐT quyết tâm đổi mới thi tốt nghiệp thì chắc chắn phải làm tốt ngân hàng đề thi.

Th.S HỨA MINH TUẤN, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM: Tách bạch giữa kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH

Thực tế, vấn đề thi cử là vấn đề rất phức tạp nên không thể làm cập rập như thời gian qua. Nỗ lực cải tiến của Bộ GD-ĐT từ “3 chung” (giai đoạn 2002-2014) và thi “2 trong 1” (từ năm 2015 đến nay) là nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cách làm thời gian qua thiếu tính chiến lược và dài hơi nên luôn vấp phải nhiều vấn đề. Rất mừng là dự thảo đã giải quyết và tách bạch giữa kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH. 2 vấn đề quan trọng nhất trong ý tưởng đổi mới thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT phải đặt lên hàng đầu đó là trung tâm khảo thí quốc gia và ngân hàng đề thi quốc gia. Khi tập trung làm ngân hàng đề thi, xây dựng trung tâm khảo thí phải có các chuyên gia, có tài chính, phải học hỏi kinh nghiệm của thế giới và làm đúng thì kỳ vọng đổi mới thi tốt nghiệp THPT sẽ thành công.

Loạt bài “Đổi mới thi và tuyển sinh đại học” (Báo SGGP đăng từ ngày 28 đến 30-3-2022) đã phản ánh hơn 20 năm qua, ngành giáo dục - đào tạo có nhiều nỗ lực đổi mới kỳ thi và tuyển sinh đại học, đã có những chuyển biến tích cực, song còn nhiều vấn đề chưa đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội. Trong đó, loạt bài đã đặt vấn đề đổi mới, đúng hơn là cải tiến, nếu được hoạch định một cách bài bản, dài hơi và tầm nhìn xa hơn sẽ không vấp phải những sự cố đáng tiếc. Loạt bài cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia về việc phải có kịch bản đổi mới, cách thực hiện cho việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi. Đến nay, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Tin cùng chuyên mục