Về tiêu chí phân loại dự án, dự thảo luật điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành (15.000 tỷ đồng) lên 20.000 tỷ đồng. Góp ý cụ thể, ông Hoàng Như Cương, Phó ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, cho rằng 20.000 tỷ đồng là con số rất nhỏ, trong tương lai có những dự án lớn vượt trên 20.000 tỷ đồng nên nếu lấy con số này làm mốc thì phải trình Quốc hội liên tục và Quốc hội phải họp quanh năm suốt tháng chỉ để thông qua dự án. Dẫn chứng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM không có dự án nào dưới 1 tỷ USD (khoảng 23.000 tỷ đồng), nếu áp theo tiêu chí trên thì mỗi một lần có dự án lại phải trình Quốc hội, sẽ mất nhiều thời gian, rất “khó làm”. Về điều chỉnh dự án, ông Hoàng Như Cương đề nghị, trường hợp thay đổi quy mô, thay đổi mục tiêu mới phải trình Quốc hội xin lại chủ trương đầu tư. Còn những thay đổi mang tính khách quan như trượt giá, hoặc thay đổi tỷ giá mà không thay đổi quy mô hay mục tiêu thì không nên trình lại chủ trương đầu tư. “Nếu trượt giá khiến tăng vượt mức đầu tư cũ, lại phải xin chủ trương đầu tư của Quốc hội; một đồng cũng phải trình Quốc hội thì không làm được đâu”, ông Hoàng Như Cương nói.
Liên quan đến dự án có sử dụng vốn vay ODA, một vấn đề xuất phát từ thực tế là xác định nguồn vốn. Ông Hoàng Như Cương phân tích, hiện nay các dự án muốn được phê duyệt, muốn có chủ trương đầu tư phải xác định nguồn vốn (tư nhân, ngân sách nhà nước, ODA…). Các cơ quan nhà nước thông thường lại quan niệm nguồn vốn là phải đủ vốn. Riêng nguồn vốn ODA, các nhà tài trợ không bao giờ cam kết cho vay 100% vốn, mà sẽ xem nếu trong nước làm tốt thì họ mới tiếp tục cho vay tiếp; nếu trong nước làm không tốt, họ sẽ rút lui. “Trong khi đó, đối với các cơ quan nhà nước thì phải đủ vốn mới phê duyệt dự án. Chắc chắn dự án từ nguồn vốn ODA thì không bao giờ đủ được, vì họ chỉ hứa thôi. Nếu không làm rõ khái niệm về nguồn vốn, cứ đợi đủ vốn mới phê duyệt dự án thì… sẽ tắc hết”, ông Hoàng Như Cương phân tích.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, cho rằng dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) chưa rút ngắn về quy trình, thủ tục so với luật hiện hành. “Vẫn còn tình hình “ôm” lên trên. Quốc hội, Thủ tướng “ôm” hết và từ đầu nhiệm kỳ tới giờ, Quốc hội mới quyết được 2 dự án, thành ra TPHCM ách hết nhiều dự án”, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM lý giải. Bà Phạm Phương Thảo phân tích, thực tế quyền của TP cũng lớn, trong khi chúng ta nói phân cấp, thì cần giao cho quận huyện, phường xã làm. Tuy nhiên, hiện nay HĐND TPHCM quyết định mỗi năm khoảng 20.000-30.000 tỷ đồng, còn cấp quận chỉ quyết định có hơn 40 tỷ đồng/năm, cấp phường quyết có khi chỉ 1 tỷ đồng/năm. Bà Phạm Phương Thảo đề nghị cần phân cấp mạnh mẽ hơn cho địa phương để giảm tải cho cấp trung ương, cấp TP và giúp công việc trôi chảy, nhanh chóng.
Chiều cùng ngày, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.