Kính gửi anh Trường Giang!
Tôi năm nay 45 tuổi, lập gia đình hơn 20 năm. Con trai lớn của tôi 20 tuổi và du học tại Singapore gần hai năm. Chồng tôi làm kinh doanh, việc làm ăn cũng thuận lợi nên kinh tế gia đình rất vững vàng. Trước kia tôi là giáo viên nhưng sau khi lấy chồng được 3 năm, sinh cháu thì tôi ở nhà nội trợ cho đến bây giờ.
Chồng tôi là người rất đàng hoàng và yêu thương tôi, chăm lo cho tôi về vật chất không thiếu thứ gì. Bằng lý trí tôi nhận thấy mình có những điều kiện sống thực sự rất tốt, được chồng yêu thương, có con ngoan hiền nhưng thực sự trong lòng tôi không cảm thấy thoải mái. Tôi luôn thấy mình vô dụng, trống rỗng và cô đơn, đặc biệt là kể từ ngày con trai tôi đi học ở xa.
Nhìn lại suốt khoảng thời gian từ xưa đến giờ, tôi thấy mình sống một cuộc sống đơn điệu, nhàm chán và vô nghĩa. Cảm giác này ngày càng lớn dần khiến tôi bất mãn với bản thân và ngay cả với chồng tôi nữa. Tôi hay cáu gắt, bực dọc không thể kềm chế được mỗi khi chồng tôi đi làm về. Tôi không biết phải làm sao để giải tỏa được tâm trạng này. Mong anh cho tôi lời chia sẻ.
Cảm ơn anh rất nhiều!
T.T.Tâm
“Tôi luôn thấy mình vô dụng, trống rỗng và cô đơn” có lẽ mấu chốt vấn đề của chị nằm ở chỗ ấy. Đã từng là giáo viên, một trí thức, nên cảm giác “thấy mình vô dụng” càng lớn. Theo quan niệm sống của một số người, thì chỉ cần kinh tế gia đình ổn định, có người chồng thể hiện đầy đủ trách nhiệm, có con ngoan… đã được xem là hạnh phúc; ngoài ra họ chẳng quan tâm đến điều gì khác. Nhưng với những người có trình độ, cuộc sống nội tâm phong phú, có những ý nghĩ sâu sắc về cuộc sống… thì những yếu tố trên chưa đủ để tạo ra niềm hạnh phúc đích thực – bởi bản thân mình chưa được đóng góp một phần công sức cho xã hội.
Có lẽ chị thuộc mẫu người thứ hai, nên cảm giác về sự đơn điệu, nhàm chán, vô nghĩa ngày càng nặng nề hơn. Để “thoát” ra khỏi áp lực tâm lý ấy, theo tôi không khó lắm. Hiện nay, khi con cái đã lớn, kinh tế không quá chật vật, hoặc gia đình không cần chị phải có mặt thường xuyên ở nhà… thì việc chị đi làm là chuyện nằm trong tầm tay.
Một khi đã đi làm, chị sẽ thoát khỏi mặc cảm “vô dụng”; khi đó chị cũng sẽ thường xuyên tiếp xúc với đồng nghiệp, có thêm bạn bè và như thế chị cũng sẽ thoát khỏi tâm lý “trống rỗng, cô đơn”. Việc những người vợ phải ở nhà theo quyết định của chồng (vì người chồng không muốn vợ ra ngoài, tiếp xúc với nhiều người; hoặc họ muốn vợ ở nhà để lo việc nội trợ, nuôi dạy con, chăm sóc gia đình…) cũng là một “hiện tượng” khá phổ biến (nhất là những người chồng làm ra tiền) và cũng gây nên không ít sự ức chế cho những người vợ.
Song, qua những điều chị kể về chồng chồng chị “ là người rất đàng hoàng và yêu thương vợ…”, thì lo gì chuyện anh ấy không ủng hộ để vợ đi làm. Hôm nào có điều kiện thuận lợi, chị thử đặt vấn đề ấy với anh ấy thử xem, biết đâu, chẳng những không ngăn cản mà anh ấy còn “tham mưu” cho chị nhiều ý kiến hay không chừng.
Cuối cùng, tôi muốn gửi đến chị một góp ý nhỏ: dù thế nào thì chị cũng không nên trút sự bực dọc, cáu gắt của mình lên chồng chị; bởi xét cho cùng, anh ấy không có lỗi trong chuyện ấy. Làm thế chẳng khác nào “giận cá chém thớt”…
Chúc chị tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.
Học đại học ở đâu là tốt nhất?
Chào chú Trường Giang!
Cháu năm nay đang học lớp 12. Gia đình cháu kinh tế cũng bình thường thôi. Cháu hiện giờ băn khoăn không biết mình nên chọn học đại học ở đâu. Cháu nên chọn học đại học - cao đẳng ở địa phương (cháu đang ở tỉnh) hay nên lên TP.HCM để học. Cháu sợ nếu không học tại TP.HCM thì bằng cấp của cháu sẽ không có giá trị cao, sau này khó xin việc làm. Mấy đứa bạn cháu đứa nào cũng tính học đại học ở TP.HCM hết, cháu cũng hơi hoang mang. Mong chú cho cháu lời khuyên.
Cảm ơn chú!
cobevotu@...
cobevotu@... thân mến,
Việc cháu cho rằng bằng cấp của các trường cao đẳng, đại học ở các tỉnh không bằng ở TP.HCM là không đúng (vì theo tiêu chuẩn chung, văn bằng của tất cả các trường trong cả nước đều có giá trị như nhau). Nếu có ai đó nhìn nhận như thế, thì chỉ là tâm lý… vọng ngoại (ngoài tỉnh mới tốt và cho rằng chỉ có các trường ở TP.HCM mới là số một) thì cũng là cá biệt và hoàn toàn không đúng.
Trên thực tế, có rất nhiều người tốt nghiệp từ các trường cao đẳng, đại học ở các tỉnh (như Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt…) đã được các cơ quan, công ty, xí nghiệp ở TP.HCM tuyển dụng vào làm việc và không có chuyện phân biệt bằng cấp giữa trường ở tỉnh hay thành phố.
Nếu kinh tế của gia đình cháu chỉ là bình thường, có lẽ cháu nên học ở tỉnh thì tiện hơn – bởi khi đi học xa nhà (lại ở TP.HCM) thì chi phí sinh hoạt rất đắt đỏ. Thực tế cho thấy, rất nhiều sinh viên từ các tỉnh đến các thành phố lớn đi học, vì nhà nghèo để có tiền cho chuyện ăn học, nên sinh viên phải đi làm thêm, điều đó ảnh hưởng đến chất lượng học tập của không ít sinh viên.
Để tìm được một việc làm (sau khi tốt nghiệp) thì bằng cấp chỉ đóng vai trò quan trọng, tất yếu chứ không phải là yếu tố quyết định. Hiện nay ở TP.HCM có không ít người có đến 3, 4 bằng cử nhân (thậm chí là cao hơn) nhưng khi đi xin việc vẫn không nơi nào nhận. Lý do: họ chỉ có những tấm bằng mà không có năng lực cũng như những tố chất, tính cách cần thiết cho công việc mà các đơn vị tuyển dụng cần. Vì vậy, cháu không nên quá coi trọng chuyện bằng cấp mà xem thường những điều kiện khác.
Còn như trường ở tỉnh không có những ngành mà cháu dự định theo học, thì lúc ấy (tất nhiên) cháu phải thi vào trường ở thành phố .