Nói về tiết kiệm điện, có rất nhiều biện pháp để thực hiện; tuy nhiên, trong thực hiện mỗi biện pháp, đạt hiệu quả hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự giác của mỗi người. Như chúng ta đã biết để làm thay đổi thói quen, ý thức của một người là điều vô cùng khó khăn và để mỗi người hình thành được thói quen, ý thức tự giác tiết kiệm điện lại là chuyện càng khó hơn.
Đây là công việc rất nặng nề không thể hoàn thành một sớm một chiều mà đòi hỏi phải có thời gian, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực và thực hiện xuyên suốt của các cấp, các ngành. Xuất phát từ vấn đề, câu hỏi đặt ra “Tại sao chúng ta không giáo dục, rèn luyện ý thức tự giác tiết kiệm điện cho mọi người ngay từ lúc nhỏ để hình thành thói quen?”, giống như câu “Dạy con từ thuở còn thơ…”, vì ở trẻ em thường rất nhạy bén, cập nhật kiến thức, thông tin nhanh, dễ bắt chước, nên đây là thế mạnh của trẻ cần được khai thác. Do đó, để chủ trương tiết kiệm điện gặt hái được kết quả, cần tập trung giáo dục để trẻ em hình thành thói quen tiết kiệm điện. Trước hết, phải xác định môi trường “trường học” và “gia đình” là nơi giáo dục, rèn luyện, tập cho trẻ hình thành thói quen, ý thức tự giác tiết kiệm điện tốt nhất.
Về môi trường “trường học”: Mọi đứa trẻ khi sinh ra và lớn lên đều phải trải qua thời gian theo học tập tại trường học. Vì vậy trường học là nơi tốt nhất để đưa chủ trương tiết kiệm điện vào (nhất là bậc mầm non, tiểu học). Từ lâu lĩnh vực an toàn giao thông đã được một số điểm trường lồng ghép vào một số buổi sinh hoạt tập thể, sinh hoạt dưới cờ, ngoại khóa… để tuyên truyền về an toàn giao thông cho các em học sinh và đã hình thành được thói quen rất tốt đối với các em. Lĩnh vực tiết kiệm điện cũng vậy, có tầm quan trọng không kém, vì vậy cần sớm đưa chủ trương này vào trường học để giáo dục, rèn luyện các em tiết kiệm điện ngay từ nhỏ.
Để các điểm trường triển khai thực hiện chủ trương tiết kiệm điện, thu hút đông đảo các em học sinh nhiệt tình hưởng ứng, tham gia tích cực, về phía nhà trường cần áp dụng nhiều biện pháp, trong đó: Phải có sự phối kết hợp giữa nhà trường với ngành điện lực, để được hỗ trợ về nhân lực, tài liệu hướng dẫn và một số hoạt động khác…; Phát tờ rơi, tờ bướm, khẩu ngữ, băng rôn tuyên truyền tiết kiệm điện với nhiều thông tin và hình ảnh hữu ích, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ giúp các em tiếp cận nhanh.
Tổ chức buổi ngoại khóa, hướng dẫn các em cách sử dụng các thiết bị điện trong gia đình tiết kiệm tối ưu theo hình thức truyền đạt sáng tạo để trẻ dễ dàng nhận thức và tiếp thu, theo hướng “học mà chơi, chơi mà học”. Người hướng dẫn cần gợi mở vấn đề, mời một em học sinh lên kể lại một số thiết bị điện trong gia đình, sau đó lần lượt hướng dẫn các em cách sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, không vội vàng, hướng dẫn đến đâu giúp các em ghi nhớ đến đó.
Tổ chức giao lưu, sinh hoạt tập thể hàng tuần, yêu cầu mỗi lớp cử từ 2 đến 3 em học sinh tường thuật, kể lại những câu chuyện, việc làm tốt về việc sử dụng các thiết bị điện trong gia đình, ở trường mà bản thân học sinh đã làm được hay các em đã làm gì để giúp thành viên trong gia đình sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm…
Nhà trường cần tặng phần quà “cây viết, quyển tập học sinh…” để khuyến khích các em tham gia đầy đủ. Việc đưa chủ trương tiết kiệm điện vào trường học là việc làm rất cần thiết, bổ ích và có ý nghĩa đối với học sinh, đồng thời giáo dục thói quen tiết kiệm điện cho các em ngay từ nhỏ.
Về môi trường gia đình: Để duy trì và hình thành được thói quen tiết kiệm điện cho các em, bên cạnh sự giáo dục của nhà trường thì rất cần sự động viên, khuyến khích, hỗ trợ thường xuyên của gia đình. Ở trường các em được giáo dục kiến thức tiết kiệm điện, gia đình là nơi để các em thực hiện việc làm đó, chính vì vậy, về phía gia đình cần phải nỗ lực hơn nữa, tạo môi trường thuận lợi để các em thực hành việc làm tiết kiệm điện. Gia đình cần làm gương cho trẻ học theo; mặc dù được giáo dục từ nhà trường, nhưng khi về nhà nếu các em không được kèm cập hoặc bị tác động trước thói quen sử dụng các thiết bị điện một cách tùy tiện, không tiết kiệm của gia đình thì dù có giáo dục mấy hiệu quả mang lại sẽ không cao, thậm chí làm ảnh hưởng đến các em. Việc giáo dục trẻ tiết kiệm điện, vừa tập thói quen tốt cho trẻ, vừa tiết kiệm điện (kinh tế) cho gia đình, do đó đây là việc làm rất cần thiết, các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn.
Trên đây là ý tưởng “đưa chủ trương tiết kiệm điện vào trường học” rất cần được nghiên cứu, sớm triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình. Tin chắc, khi ý tưởng được triển khai thực hiện, hiệu quả đem lại thấy rõ.
Bài dự thi của Đặng Huỳnh Khánh - Đặng Khánh Hưng