“Ý tưởng tiết kiệm điện - Năm 2012” - Cần phải tiết kiệm điện nơi công sở

“Ý tưởng tiết kiệm điện - Năm 2012” - Cần phải tiết kiệm điện nơi công sở

Mặc dù công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi hành động tiết kiệm điện được triển khai sâu rộng trong toàn xã hội, nhưng ý thức tự giác tiết kiệm điện (TKĐ) xem ra chưa trở thành thói quen của nhiều người. Ở góc độ bài viết, tôi xin đề xuất một số giải pháp tiết kiệm điện sau đây.

Trước hết, theo hợp đồng kinh tế, khách hàng dùng nhiều điện thì trả nhiều tiền, nên những hộ có thu nhập cao thường sử dụng điện thoáng hơn hộ nghèo, vì vậy cần tập trung vào đối tượng này để vận động. Nhân viên ngành điện theo dõi sát phiếu thu tiền điện của khách hàng hàng tháng, nếu thấy tháng sau cao hơn tháng trước thì tìm hiểu nguyên nhân, tuyên truyền, hướng dẫn họ cách sử dụng các thiết bị điện đạt tối ưu TKĐ. Nên khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, đúng mục đích, tránh lãng phí.

Ngành điện cần phân công thêm nhiệm vụ cho nhân viên, nếu nhân viên vận động được nhiều hộ TKĐ có hiệu quả (thông qua phiếu thu tiền điện giảm), nhân viên đó được chi một khoản thu nhập tăng thêm (trích một phần từ doanh thu tiền điện tiết kiệm được của các khách hàng) để động viên, khích lệ hoặc khen thưởng nếu thấy cần thiết.

Quang cảnh một buổi họp triển khai kế hoạch tiết kiệm điện nơi công sở

Quang cảnh một buổi họp triển khai kế hoạch tiết kiệm điện nơi công sở

Hơn nữa, tại các cơ quan, công sở, doanh nghiệp Nhà nước, cơ sở sản xuất kinh doanh, việc sử dụng điện hiện nay tràn lan, ý thức TKĐ chưa cao. Do là điện “cơ quan” nên nhiều cán bộ, công chức, người lao động dùng các thiết bị điện vô tội vạ, không tiết kiệm...

Do đó, các đơn vị bắt buộc xây dựng quy định sử dụng điện tại đơn vị mình, nhằm ràng buộc người lao động có ý thức, trách nhiệm TKĐ. Quy định rõ trách nhiệm cho từng tập thể, cá nhân thường xuyên kiểm tra theo dõi, xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng điện lãng phí do nguyên nhân chủ quan và thông báo trên “bảng đen” của đơn vị để giáo dục, cắt chế độ thi đua.

Đồng thời có xây dựng phương án sử dụng điện tiết kiệm cụ thể theo từng quý, 06 tháng, bảo đảm giải pháp đưa ra phải tiết kiệm từ 05 đến 10% chi phí điện năng tiêu thụ hoặc ít nhất không tăng so định kỳ trước đó. Có quy định khen thưởng những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc TKĐ, có những sáng kiến về TKĐ có hiệu quả.

Để làm tốt điều này các đơn vị cần tổ chức kiểm tra, rà soát nắm tình hình sử dụng điện tại đơn vị mình, theo dõi chỉ số tiêu thụ để đưa ra chỉ tiêu TKĐ sát hơn. Đồng thời cơ cấu lại hệ thống điện, dây điện, các thiết bị điện sao cho phù hợp, tận dụng tối đa nguồn ánh sáng và không khí mát tự nhiên để hạn chế sử dụng các thiết bị điện. Nghiêm cấm việc sử dụng điện ngoài mục đích công tác: chơi game, xem phim, nấu ăn…

Nhắc nhở, hướng dẫn người lao động sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm tối đa. ví dụ: đối với máy vi tính bàn, trung bình mỗi cơ quan, đơn vị phải có ít nhất vài chục máy vi tính bàn, tính trong phạm vi toàn quốc, số lượng này khá lớn. nếu sau giờ làm việc buổi sáng, người sử dụng ra về mà không tắt máy vi tính thì số lượng điện năng tiêu thụ hơn 02 giờ là không nhỏ. Quy định cấm bật quạt, máy lạnh, quạt hút cùng một lúc, hết công suất hoặc ra khỏi phòng không tắt các thiết bị điện...

Chọn sử dụng những sản phẩm điện gia dụng tiết kiệm

Chọn sử dụng những sản phẩm điện gia dụng tiết kiệm

Đưa ra các biện pháp chế tài, Nhà nước cần xây dựng một định mức về tiêu thụ điện cho các đơn vị, dựa trên thiết bị điện thông dụng giúp cho hoạt động như: máy vi tính, máy in, đèn, quạt, máy photocopy... Khi đã có định mức hợp lý, mỗi cơ quan, đơn vị được khoán số tiền điện phù hợp. Nếu đơn vị nào sử dụng điện năng nhiều hơn định mức sẽ bị trừ vào quỹ tiền lương hoặc kinh phí hoạt động năm sau.

Mặt khác, đưa việc TKĐ vào tiêu chí xét thi đua hàng năm, đơn vị nào TKĐ theo định mức thì được xét đạt tiêu chí thi đua và ngược lại. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ khích lệ, Nhà nước cần đưa ra mức thưởng, hỗ trợ thỏa đáng cho cơ quan, đơn vị, hộ gia đình TKĐ hiệu quả để khuyến khích họ. Điển hình như hộ A tiết kiệm 10kw/tháng, duy trì liên tiếp 03 tháng, tổng tiết kiệm 30kw; khi đó hộ A được hỗ trợ 50% tổng điện tiết kiệm (tức là 15kw). Nếu mỗi hộ tiết kiệm một vài kw điện mỗi tháng, theo dân số cả nước mỗi năm sẽ giảm tiêu dùng một lượng điện không nhỏ.

Khuyến khích khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời vào trong sinh hoạt gia đình. Thay thế một vài miếng tôn trên mái nhà bằng “tôn sáng” hay “miếng nhựa trong” hoặc cắt những lỗ tôn trên mái nhà sao cho vừa kích cỡ của những “chai nhựa trong” và đưa chai vào, trám xi măng kiên cố chỗ tiếp giáp không cho rò rỉ nước, những việc làm đó sẽ nhận được ánh sáng mặt trời chiếu vào nhà.

Hạn chế sử dụng đèn chiếu sáng hoặc dùng những tấm kính, miếng thiếc, các vật có thể khúc xạ ánh sáng, bố trí nơi hợp lý (các vật này thiết kế có thể điều chỉnh theo hướng của mặt trời), khi mặt trời chiếu vào, sẽ khúc xạ ánh sáng chiếu thẳng vào nhà. Ngoài ra có thể lấy ánh sáng tự nhiên, thông qua những ô nhỏ lấy ánh sáng trên vách tường; mở rộng hoặc mở thêm các cửa sổ và lắp kính kể cả trần (nếu có thể) để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên...

Mặt khác, sử dụng bình inox chứa nước sinh hoạt để ngoài trời, trên mái nhà để ánh sáng mặt trời làm nóng nước thay cho bình nước nóng điện.

Chính quyền địa phương cần triển khai phong trào thi đua “Toàn dân hành động TKĐ” tại cơ quan, đơn vị, các hộ dân trên địa bàn, đưa phong trào này vào tiêu chí xét thi đua, xét công nhận gia đình đạt chuẩn văn hóa tiêu biểu… Đồng thời khuyến cáo người dân nên mua những thiết bị điện có nhãn xác nhận sản phẩm TKĐ. Thay đổi các thiết bị điện tiêu tốn ít điện năng; tuyên truyền, giáo dục mọi người thay đổi thói quen, sử dụng đúng cách, hợp lý các thiết bị điện trong gia đình, như thay đổi bóng đèn huỳnh quang trong nhà bằng bóng đèn Compact, không tắt tivi bằng cách điều khiển từ xa...

Đồng thời có kế hoạch, lộ trình cụ thể cắt giảm số lượng đèn chiếu sáng công cộng trên các tuyến phố, công viên… Thời tiết Việt Nam được ví như câu tục ngữ “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng. ngày tháng mười chưa cười đã tối”, vì vậy cần nghiên cứu, điều chỉnh lại giờ mở và tắt đèn chiếu sáng công cộng cho phù hợp. hằng đêm từ 22 giờ về sau, cần thực hiện tắt ½ số lượng đèn chiếu sáng công cộng ở một số tuyến đường hoặc tận dụng ánh sáng của những ngày trăng sáng, cắt giảm đáng kể đèn chiếu sáng công cộng…

Chú trọng tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Hàng tuần trên đài phát thanh truyền hình, trên báo địa phương cần có chuyên mục TKĐ. Tuyên truyền để mọi người hiểu được ý nghĩa của chiến dịch Giờ Trái đất và kêu gọi mọi người thực hiện hưởng ứng xuyên suốt, hàng ngày thay vì hưởng ứng một năm một lần như hiện nay, thông qua việc tắt các thiết bị điện khi không dùng đến hoặc sử dụng tiết kiệm tối đa các thiết bị điện trong sinh hoạt…

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp thả diều ở nơi không được phép. nếu không may dây diều và diều vướng vào dây điện đang vận hành sẽ dẫn đến chập mạch, cháy, nổ, làm tốn kém chi phí khắc phục sửa chữa, làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống điện và tiêu hao nguồn năng lượng điện.

Cần tạo thói quen TKĐ đối với trẻ nhỏ, hướng dẫn trẻ cách TKĐ. Trước hết mỗi người lớn trong gia đình phải làm gương, để trẻ học làm theo. Đây được xem là biện pháp vừa giáo dục trẻ, vừa tự rèn luyện bản thân mình thói quen TKĐ.

Bài dự thi của Đặng Khánh Hưng

Bài dự thi xin gửi về: Trung tâm Truyền thông - Báo Sài Gòn Giải Phóng - Địa chỉ: số 450 Nguyễn Thị Minh Khai, P.5, Q.3, TPHCM. Email: ytuongtietkiemdien2012@gmail.com. Thời gian gửi bài dự thi: 22-8-2012 đến hết ngày 22-11-2012. Giải thưởng chung cuộc khi kết thúc cuộc thi: 01 giải Nhất: trị giá 25.000.000 đồng, 01 giải Nhì: trị giá 15.000.000 đồng, 01 giải Ba: trị giá 10.000.000 đồng, 10 giải Khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Tin cùng chuyên mục