Sau hơn 2 tháng theo dõi cuộc thi “ Ý tưởng tiết kiệm điện- Năm 2012” do Báo SGGP và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM phối hợp tổ chức, tôi chợt nghĩ rằng, sao đến hôm nay cuộc thi mang tính “truyền thông” này mới diễn ra muộn thế.
Tuy nhiên, muộn cũng có nghĩa là còn “kịp thời tiết kiệm” ngân sách cho Nhà nước, tiền cho nhân dân. Một cuộc thi đã, đang và sẽ để lại hiệu ứng tốt về ý thức tiết kiệm điện cho dân, trong đó có tôi-một độc giả trung thành của cuộc thi này. Tôi đã thực sự bị “thức tỉnh” khi đọc những bài viết dự thi của thí sinh ở đây.
Tôi năm nay đã trên 75 tuổi, cái tuổi có thể nói đã đi gần hết một cuộc đời, đã trải qua bao cuộc chiến tranh, cái đói, cái khát… tôi đã kinh qua và có thể xoay sở được, nhưng quả thật nếu “đói ánh sáng” thì không thể tồn tại nổi. Bây giờ ngồi thử hỏi, nếu cuộc sống của chúng ta không có nguồn điện cùng song hành thì đời sống sẽ mãi trong tối tăm, mọi hoạt động tắc nghẽn, khoa học cũng chỉ chậm chạp như trong bóng đêm. Chắc hẳn đấy là một cuộc sống tối tăm không ánh sáng, cô lập trong đói nghèo như đêm trường trung cổ. Khi có điện cuộc sống được “chói lóa”, từ thành thị tới nông thôn người ta như “bừng tỉnh” sau một giấc mơ dài, đời vui ai nấy cũng rộng vòng tay khi “núi rừng có điện thay sao, nông thôn có máy làm trâu cho người…”.
Nói chung là, từ ánh sáng của một bóng điện đã soi rõ vạn cuộc sống của chúng ta, đưa ta từ lạc hậu đến văn minh hiện đại như ngày nay. Có điện là có cuộc sống, cuộc sống có điện là có văn minh hiện đại. Nhờ điện mà có tất cả, vì vậy trong bối cảnh đất nước phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay, tiết kiệm điện là việc làm cần thiết và bức bách buộc mọi người phải tham gia.
Tham gia tiết kiệm điện tôi cho rằng mỗi người một cách, một ý tưởng. Là doanh nghiệp lớn có thể tham gia tiết kiệm điện bằng các giải pháp vi mô đến vĩ mô, nhưng với những người dân thường như chúng tôi thì cho rằng, nếu được tuyên truyền, hướng dẫn thành thói quen, thì chỉ cần “đưa tay bấm vào công tắc điện lúc cần thiết” là cũng đã tham gia tiết kiệm điện hiệu quả rồi. Nói vậy là có lý do, trong hơn 2 năm qua khi Tổng Công ty Điện lực TP.HCM phát động các chương trình tiết kiệm điện trong dân, ngành điện đã thu về những kết quả đáng ghi nhận.
Kết quả là, trong năm 2010, sản lượng điện tiết kiệm đạt 223 triệu kWh, năm 2011 sản lượng điện tiết kiệm đạt 391 triệu kWh, trong 8 tháng đầu năm 2012 đã góp phần tiết kiệm được 238,36 triệu kWh, tiết kiệm cho xã hội chi phí mua điện gần 362 tỷ đồng, giảm phát thải hơn 102 ngàn tấn CO2. Con số trên đã mang lại hiệu quả hết sức to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần đảm bảo đủ nguồn cung ứng điện cho sinh hoạt.
Đất nước ta có nhiều nguồn lợi từ thiên nhiên, nó sẽ cung cấp cho việc phát triển ra điện như: than đá, dầu mỏ, thác nước (thủy điện). Thế nhưng, khi cuộc sống ngày một phát triển, dân số tăng nhanh, khoa học kỹ thuật như điện hạt nhân chưa phát triển kịp thì việc ngành điện rơi vào tình trạng “cung” không đủ “cầu” là điều tất yếu. Vì vậy, tiết kiệm điện phải phát triển thành phong trào cho toàn dân, phải bám sâu “mọc rễ” trong dân, để ai ai cũng phải ý thức tiết kiệm điện.
Ở cấp độ vi mô, tiết kiệm điện trong sinh hoạt có khó không, có ảnh hưởng gì lớn đến cuộc sống gia đình, xã hội hay không? Tôi cho rằng không đáng quan ngại. Vấn đề ở chỗ là, ngành điện lực phải tuyên truyền làm sao cho toàn dân học tập ý thức tiết kiệm điện, tạo ra cho được những “nhân tố mới” trong tiết kiệm, gợi ý phương pháp tiết kiệm điện. Theo đó, ở khu vực cơ quan nhà nước từ TW đến địa phương, phải xây dựng cho được “quy chế” thưởng-phạt về tiết kiệm điện, sẽ tránh lãng phí trung bình từ 20-30% lượng điện sử dụng.
Ở khu vực nông trường, xí nghiệp, công ty phải có quy định giờ đóng máy hợp lý, không cho máy chạy không tải vô tội vạ. Công đoàn cơ quan nên chú ý nhắc nhở các bộ phận sử dụng có ý thức tiết kiệm, nên phát động thành phong trào thi đua và nhắc nhở các bộ phận sử dụng lãng phí điện lên “báo tường” hay “bản tin nội bộ” để răn đe, đi vào nề nếp.
Còn về tiết kiệm điện trong gia đình, tôi cho là không khó. Vì chính bản thân tôi, từ khi đọc các bài dự thi về “Ý tưởng tiết kiệm điện-Năm 2012” trên Báo SGGP, thật sự nó như đã “thức tỉnh” tôi về ý thức này. Nếu trước đây tôi còn để chế độ chờ, nhưng nay đã tắt điện một cách triệt để. Không chỉ thế, tôi còn tự “sáng chế” ra cách tiết kiệm điện cho nhà mình mà tôi thấy rất hiệu quả. Mạng lưới điện cũ ở nhà tôi vẫn để y nguyên, tôi chỉ mua thêm 2 bóng đèn tiết kiệm (loại 20W và loại 40W) được gắn vào “cái phích” nối với đui đèn bằng một đoạn dây điện cỡ 1 ly cho thật tốt và an toàn. Ở nhà tôi phòng nào cũng có ổ cắm. Đến tối, tôi cần ánh sáng phòng nào thì tôi cắm bóng điện tiết kiệm vào phích buồng đó, không cần thì rút đi.
Với kế hoạch này tôi đã hạn chế được trình trạng bật đèn tràn lan các buồng, kể cả không sử dụng tới. Mỗi tối tôi chỉ thắp sáng 2 bóng đèn tiết kiệm là đủ, nó có hơi phiền hà cho chính mình vì đi đâu cũng phải rút ra cắm lại bóng đèn tiết kiệm, nhưng thật sự nó rất tiết kiệm điện năng. Ngay trong tháng đầu áp dụng, tiền điện tôi phải trả được tiết kiệm đến 30%. Với kết quả trên, đối với một gia đình có thể là một con số chưa ấn tượng nhưng đối với toàn quốc thì theo tôi đó là một con số tiết kiệm điện khổng lồ.
Tiết kiệm điện là một quốc sách phát triển cho toàn dân từ thành thị đến nông thôn, từ người dân bình thường đến các hộ cao cấp, từ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đến các xí nghiệp quốc doanh, từ các công ty quảng cáo đến các cơ quan quản lý đèn chiếu sáng công cộng. Phải ý thức rằng, có sử dụng điện là ta phải nghĩ ngay đến tiết kiệm, nhất là mùa khô thì cuộc sống của chúng ta mới không bị ảnh hưởng bởi cắt điện cục bộ hay liên tục ảnh hưởng sinh hoạt và cuộc sống.
Tiết kiệm điện ban đầu chúng ta chưa quen, nhưng tự ý thức và “ép” mình phải ý thức vài lần rồi sẽ quen. Xưa các cụ có câu: “Sống dầu đèn chết kèn trống”, ý nói cuộc sống của chúng ta không thể thiếu ánh sáng, thiếu điện. Sản xuất ra điện đã khó nhưng duy trì hệ thống điện sinh hoạt, điện cho sản xuất được liên tục lại càng khó hơn. Đất nước ta là một đất nước đang phát triển nên nhu cầu về điện lực ngày càng cao, do cung không đủ cầu nên ta phải đặt vấn đề tiết kiệm lên hàng đầu, khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, chúng ta phát huy vai trò tiết kiệm từ trong nhà đến xã hội chống thất thoát lãng phí. Chúng ta nên coi tiết kiệm điện là quốc sách hàng đầu cho cuộc sống hiện đại.
Bài dự thi của: Phạm Xuân Đông Dương
Bài dự thi xin gửi về: Trung tâm Truyền thông - Báo Sài Gòn Giải Phóng - Địa chỉ: số 450 Nguyễn Thị Minh Khai, P.5, Q.3, TPHCM. Email: ytuongtietkiemdien2012@gmail.com. Thời gian gửi bài dự thi: Đến hết ngày 22-11-2012. Giải thưởng chung cuộc khi kết thúc cuộc thi: 1 giải nhất: trị giá 25.000.000 đồng, 1 giải nhì: trị giá 15.000.000 đồng, 1 giải ba: trị giá 10.000.000 đồng, 10 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.