Hãy tiện tay tắt điện và ngưng chế độ”chờ”

Tiết kiệm điện vốn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, tuy quảng cáo công ích xuất hiện khắp nơi, nhưng phần lớn đều trống rỗng và chưa phổ biến rộng khắp đến từng cơ sở, nhất là chưa trả lời được câu hỏi “Làm thế nào để tiết kiệm điện?”.
Hãy tiện tay tắt điện và ngưng chế độ”chờ”

Tiết kiệm điện vốn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, tuy quảng cáo công ích xuất hiện khắp nơi, nhưng phần lớn đều trống rỗng và chưa phổ biến rộng khắp đến từng cơ sở, nhất là chưa trả lời được câu hỏi “Làm thế nào để tiết kiệm điện?”.

Tôi xin nêu một số biện pháp tuy nhỏ, nhưng rất căn cơ nhằm tiết kiệm điện: Máy lạnh ngốn điện nhiều nhất, nên điều chỉnh ở 26-28°C, mỗi nâng cao 1°C, sẽ tiết kiệm được 6% điện, vận hành 10 tiếng, sẽ tiết kiệm được 0,5 KWH. Khi đi ngủ, nên vặn ở chế độ hẹn giờ hoặc quạt gió, sẽ tiết kiệm được 20% lượng điện tiêu hao; sử dụng máy nước nóng nên tránh giờ cao điểm. Nên thay đổi thói quen tắm bồn sang tắm vòi hoa sen, có thể giảm được 2/3 chi phí tính cả điện lẫn nước; quạt máy nên cho chạy số nhỏ, sẽ tiết kiệm được 50-60%; nên thay tất cả bóng đèn bằng đèn Led, sẽ tiết kiệm được 20% điện; nên thay bếp điện đốt dây điện trở bằng bếp điện từ, mặc dù bếp điện từ có công suất 2.000W chẳng kém bếp điện, nhưng nhờ khả năng tận dụng điện năng tới 90% nên hơn hẳn bếp điện.

Tác giả (trái) chụp ở trạm phong điện Palm Springs, miền Nam California, Hoa Kỳ.
Tác giả (trái) chụp ở trạm phong điện Palm Springs, miền Nam California, Hoa Kỳ.

Nhiều người trong chúng ta có thói quen nằm xem TV, rồi tiện tay dùng remote tắt trước khi đi ngủ. Phải biết rằng đèn báo TV lúc đó vẫn sáng, máy ở trạng thái “chờ” (stand by), nên vẫn tiêu hao điện. Tình trạng tương tự cũng thường xảy ra đối với lò vi sóng, máy in của máy tính, thiết bị âm thanh, quạt máy… Theo ước tính, một máy in ở trạng thái stand by, vẫn tiêu hao 5W điện. Từ đó suy ra, nếu thiết bị điện của 1 gia đình đều ở trạng thái stand by, tương đương thắp 1 ngọn  “trường minh đăng” 30W; nếu các thiết bị điện trong gia đình ở trạng thái stand by vào buổi tối (ít nhất 10 giờ), sẽ tiêu hao lượng điện 300W, 1 tháng sẽ là 9 kwh. Đây là một con số không hề nhỏ. Ước tính mỗi năm cả thế giới có khoảng 10% diện năng lãng phí cho stand by. Riêng đối với máy vi tính, vì đóng, mở máy rất mất thời gian, nên khi bận việc chừng 1-2 tiếng, người ta vẫn để ở chế độ stand by.

Theo báo cáo của Đại học Waterloo bang Ontario Canada, mỗi máy tính cá nhân khi chay tiêu tốn 200W, nếu ở chế độ stand by vẫn tốn 35W, nhỉnh hơn 1 bóng đèn tròn. Thành phố chúng ta có khoảng 2 triệu máy vi tính, stand by sẽ ngốn hết 70MW, tương đương một nhà máy thủy điện quy mô trung bình. Mọi biện pháp “giảm dòng chảy” không bằng “khơi nguồn”, chúng ta có thể làm gì trong việc khai thác thêm nguồn điện? Năm 2011, nhân dịp đi dự hội thảo ở TP Thanh Đảo, Trung Quốc, tôi được đưa đến thăm quần đảo Trường Sơn - một huyện đảo ở ngoài khơi phía Bắc tỉnh Sơn Đông Trung Quốc. Điều khiến tôi ngạc nhiên không phải cảnh sắc hòn đảo du lịch này mà là huyện đảo đã tận dụng ưu thế là 1 trong 3 nơi có sức gió mạnh nhất Trung Quốc, nên đã thực hiện tự túc điện hoàn toàn bằng sức gió. Năm 2010, khi du lịch Mỹ, tôi được người bạn hướng dẫn thăm những ”cối xay gió” vươn dài cánh tay ở Palm Springs, Nam Cali, và giới thiệu một cách tự hào: Phát điện sức gió đã cung cấp 10% điện năng cho địa phương.

Việt Nam ta cũng chẳng xa lạ với ”người khổng lồ” dưới mắt của chàng hiệp sĩ Don Kihote khi đi qua mũi Cà Ná, phía Nam tỉnh Ninh Thuận. Các đảo Lý Sơn, Bạch Long Vỹ, nguồn điện gió cũng đóng vai trò quan trọng. Tuy vậy, nhà máy điện gió phụ thuộc vào sức gió, lại chiếm nhiều diện tích, đầu tư lớn, không phải nơi nào cũng xây dựng được.

Nói đến nguồn năng lượng có thể tái sinh, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến thủy điện. Nước ta tuy có nguồn thủy điện dồi dào, nhưng xây dựng thủy điện phải hy sinh một diện tích rừng đáng kể, gây mất cân bằng sinh thái. Năm 1932, nước Mỹ từng xây dựng đập thủy điện Hoover Dam, nổi tiếng đẹp và mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng sau đó không còn một trạm thủy điện nào được xây dựng nữa. Người Mỹ đánh giá về môi trường, về sinh thái, thủy điện lợi bất cập hại, kinh nghiệm đó rất đáng để chúng ta tham khảo.

Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ có nhà máy điện hạt nhân, nhưng nhiên liệu uranium không phải là vô tận, phế liệu phóng xạ cũng phải chôn cất trong những cỗ “quan tài chì” hết sức tốn kém. Nền kỹ nghệ hạt nhân tiên tiến như Đức cũng phải từ bỏ nó, chú tâm đến các nguồn năng lượng tái sinh và hiện đang dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Thành phố ta đang bị rác “bao vây”, mỗi ngày phải chi phí 100.000USD để “mai táng” chúng. Ở châu Âu, rác đã trở thành nguồn tài nguyên quý giá, nhiệt lượng của 2 tấn rác tương đương 1 tấn than đá. Ở Đức, phát điện bằng rác đã chiếm tới 30% sản lượng điện quốc gia, hằng năm phải tốn 100 tỷ USD để nhập rác! Nên người Đức nói: “Rác là nguồn tài nguyên đã đặt nhầm chỗ”. Singapore cũng đã thực hiện toàn bộ rác thải dùng để phát điện.

Ở nước ta, phát điện từ rác còn ở giai đoạn sơ khai, gặp nhiều khó khăn như 65% là rác nhà bếp, hàm lượng nước>60%, nhiệt lượng thấp… Để tận dụng rác, khâu phân loại sơ bộ là hết sức cần thiết. Ở Mỹ, trước cửa mỗi gia đình đều có 4 thùng rác khác màu để đựng những loại rác khác nhau, còn ở mình, chỉ phân loại theo 2 nhóm cũng chẳng ai buồn làm. Mấy năm trước, quận 6 đả bỏ ra cả tỷ bạc nhằm hướng dẫn thói quen phân loại rác cho dân chúng, nhưng đã thất bại. Để hưởng ứng phong trào tiết kiệm điện, chúng ta hãy làm ngay từ những việc nhỏ nhất: hãy tiện tay tắt hết nguồn điện, không “chờ”. Không chỉ tiết kiệm tài nguyên cho đất nước, giảm chi tiêu cho gia đình, còn góp phần giảm khí thải, chống hiệu ứng nhà kính, gìn giữ trái đất - ngôi nhà chung của chúng ta mãi mãi xanh tươi.

Bài dự thi của Chung Chí Thành

Tin cùng chuyên mục