“Đua” đến châu Á

Ngày 11-11, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Hàn Quốc, mở đầu cho chuyến công du 4 ngày tới Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước thứ 3 của ông Medvedev tới châu Á trong nhiều tháng qua.

Tổng biên tập tạp chí “Nước Nga trong vấn đề toàn cầu”, Fyodor Lukyanov, cho hay: “Rõ ràng đây là sự tái định hướng của Nga, là chính sách tìm cách bù đắp cho khoảng thời gian Nga phớt lờ khu vực này trước đây”. Trong chuyến thăm gần đây nhất đến Việt Nam, bản thân Tổng thống Medvedev đã thừa nhận Mátxcơva đang tái khám phá châu Á.

Theo giới phân tích, vấn đề ở chỗ châu Âu và Mỹ chiếm giữ hàng đầu quá lâu trong chính sách đối ngoại của Kremlin đến nỗi Nga hầu như chưa có bất kỳ chính sách kết nối nào với châu Á. Thời gian gần đây, châu Á đã đột nhiên trở thành thị trường xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Nga, và điều này càng thúc đẩy Chính phủ Nga hướng về châu Á.

Tuy nhiên, không chỉ có Nga mới “bắt mạch” sự hấp dẫn của châu lục có hơn 4 tỷ dân. Mỹ cũng nhanh chóng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến châu Á qua chuyến công du 4 nước của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tổng thống Barack Obama đã nhấn mạnh các mục tiêu kinh tế trước chuyến thăm các nước châu Á. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm này còn bao hàm những ý đồ chiến lược. Tại Ấn Độ, ngoài thảo luận về các hợp đồng cung cấp vũ khí cho Ấn Độ, ông Obama cũng bày tỏ sự quan tâm đến quan hệ chiến lược Mỹ-Ấn, hợp tác hạt nhân dân sự... Điều đó cho thấy Mỹ đang cố gắng gây ảnh hưởng với Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực. Tại Indonesia, Tổng thống Obama khẳng định “Indonesia là một phần trong tôi”. Việc tăng cường quan hệ với Jakarta sẽ giúp Washington có thể đạt được các mục tiêu phát triển mối quan hệ thân thiện với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tầm quan trọng chiến lược của chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản thể hiện rõ hơn. Mặc dù tại Seoul, Mỹ và Hàn Quốc chưa đạt được thống nhất về Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Hàn, nhưng chuyến thăm này đã khẳng định mối quan hệ đồng minh không thể tách rời Mỹ-Hàn. Đối với Nhật Bản, Tokyo thật sự đang mong chờ chuyến thăm của ông Obama. Nhật Bản rất mong Mỹ “bênh” Nhật Bản về bất đồng lãnh thổ với các nước láng giềng trong những tháng gần đây. Tokyo và Washington đã chấm dứt tranh cãi về các quyền đặt căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản. Hiện 2 bên đang tìm cách tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược trong thế kỷ 21.  

Theo đánh giá mới đây của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), đến năm 2030, nền kinh tế châu Á sẽ gấp nhiều lần nền kinh tế Mỹ và châu Âu cộng lại. GDP bình quân của châu Á sẽ chiếm hơn 40% GDP toàn cầu. Sức mạnh kinh tế châu Á được minh chứng rõ nhất khi chính châu Á chứ không phải Mỹ hay châu Âu là khu vực thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 sớm nhất và đang quay lại đà tăng trưởng.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất trong khu vực châu Á, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trong năm 2010 là 9,9%. Trong khi đó, con số này của Mỹ chỉ hơn 2%; còn châu Âu chỉ là 0,7% trong năm 2010 và 1,5% trong năm 2011.

Trước những con số không hề vô cảm như vậy, Nga và Mỹ không thể chỉ đứng nhìn. Chắc chắn cuộc đua giành ảnh hưởng tại châu Á sẽ vô cùng gay cấn và sẽ không chỉ là cuộc đua song mã Nga-Mỹ.

Đỗ Văn

Tin cùng chuyên mục