Đua lãi suất USD

Không có trần huy động như với tiền gửi bằng VND, lãi suất tiền gửi USD tại các ngân hàng thương mại đang âm thầm tăng lên trong 2 tuần qua. Chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi VND và tiền gửi USD ở các ngân hàng ngày càng thu hẹp.
Đua lãi suất USD

Không có trần huy động như với tiền gửi bằng VND, lãi suất tiền gửi USD tại các ngân hàng thương mại đang âm thầm tăng lên trong 2 tuần qua. Chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi VND và tiền gửi USD ở các ngân hàng ngày càng thu hẹp.

  • Lãi suất vượt mốc 6%/năm

Mới đây, VietBank đã tăng lãi suất huy động USD cho tất cả các kỳ hạn gửi từ 1- 36 tháng với mức tăng từ 0,9% - 1,3%/năm tùy từng kỳ hạn gửi. Cụ thể, lãi suất tiền gửi sản phẩm tiết kiệm lãi suất cộng, kỳ hạn 6 tháng lên tới 5,9%. Lãi suất tiền gửi cao nhất là 6% dành cho sản phẩm lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi thanh toán lãnh lãi cuối kỳ, kỳ hạn 12 tháng.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa cũng áp dụng mức lãi suất tiền gửi USD cao nhất là 6,1%/năm với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng. Nếu khách hàng gửi từ 10.000 USD trở lên còn được thưởng một mức lãi suất là 0,2%, tức lãi suất được hưởng sẽ là 6,3%/năm.

Giao dịch ngoại tệ tại ngân hàng. Ảnh: CAO THĂNG

Giao dịch ngoại tệ tại ngân hàng. Ảnh: CAO THĂNG

Trước đó, Western Bank tăng lãi suất huy động USD ở các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng lên 5%/năm, 2 tháng 5,1%/năm và kỳ hạn 3 tháng lên 5,3%/năm. Ngân hàng SeABank cũng đưa lãi suất huy động USD lên mức cao nhất là 6%/năm.

Tại các ngân hàng khác như Kiên Long, Phương Đông, SCB, An Bình..., lãi suất huy động USD cao nhất nằm trong mức 5,1% - 5,6%/năm. Chỉ có những ngân hàng lớn có thế mạnh về thanh toán và tài trợ xuất nhập khẩu như Eximbank, ACB, Sacombank…, lãi suất huy động USD được giữ dưới mức 5%/năm.

Một trong những nguyên nhân được các ngân hàng giải thích cho việc tăng lãi suất USD là nhằm gia tăng thị phần huy động, nhất là thời điểm giáp tết lượng kiều hối về nhiều nên ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất USD để thu hút nguồn vốn này.

Trong năm qua những ngân hàng có chương trình ưu đãi khách hàng như cho vay tiền đồng lãi suất USD đã dùng USD huy động bán lấy tiền đồng cho vay và đến lúc các khoản huy động ngoại tệ đến hạn nên cần một lượng tương tự để trả cho khách gửi tiền.

Ngoài ra, nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp cũng nhích lên nên các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động USD. Hiện tại lãi suất cho vay bằng USD của các ngân hàng khoảng 7% - 8% trong khi lãi suất cho vay bằng tiền đồng đang ở mức 17% - 18%/năm đối với các doanh nghiệp.

  • Sẽ còn tiếp tục tăng?

Ngay từ cuối năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại hạn chế cấp tín dụng bằng ngoại tệ cho việc nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu nhưng đến cuối năm 2010, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành là 27,6% so với cuối năm 2009, trong đó cho vay tiền đồng tăng 25,3% và cho vay bằng ngoại tệ tăng đến 37,7%.

Theo một chuyên gia ngân hàng, trong năm 2010 lãi suất tiền đồng không cao như hiện nay mà tín dụng ngoại tệ vẫn tăng cao thì đầu năm 2011 trong ngắn hạn các doanh nghiệp cũng sẽ nghiêng về hướng vay ngoại tệ vì hiện tại chênh lệch lãi suất cho vay giữa tiền đồng và USD đã lên đến 12%/năm và trong ngắn hạn tiền đồng không thể giảm giá đến 12% so với USD. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu đều chọn vay USD. Do vậy, khả năng lãi suất huy động USD ở các ngân hàng thương mại sẽ còn tiếp tục tăng nữa trong thời gian tới.

Nhiều ngân hàng thương mại thừa nhận kể từ khi quy định của Ngân hàng Nhà nước chỉ được sử dụng tối đa 80% vốn huy động để cho vay đã ảnh hưởng nhiều đến việc tăng trưởng tín dụng. Trong khi lãi suất tiền đồng khó có thể tăng tiếp, các ngân hàng không thể cạnh tranh để hút vốn tiền đồng đáp ứng quy định này. Vì vậy, thay vì tập trung vào tiền đồng với mức lãi suất quá cạnh tranh, các ngân hàng bắt đầu xoay sang USD để tìm lối ra.

Như vậy, có thể thấy tăng trưởng tín dụng ngoại tệ là một trong những lý do đẩy lãi suất tiền gửi ngoại tệ tăng lên. Tuy nhiên, tính số dư tuyệt đối thì dư nợ ngoại tệ vẫn không thể tăng cao hơn dư nợ cho vay tiền đồng. Điều này được thể hiện qua tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng thương mại trong năm 2010. Hơn nữa, không phải khách hàng nào cũng là đối tượng được ngân hàng cho vay ngoại tệ.

Thực tế trong những năm qua không ít doanh nghiệp vay ngoại tệ bị lỗ do biến động tỷ giá. Do vậy, theo các chuyên gia, khả năng tăng lãi suất USD chỉ có thể kéo dài trong ngắn hạn, không quá quý 1-2010. 

ANH TÚ

Tin cùng chuyên mục