Kém kiến thức về lịch sử, đặc biệt là lịch sử nước nhà, là vấn đề đã được đề cập lâu nay. Nhiều biện pháp đã được nêu lên để khắc phục tình trạng này, trong số đó có giải pháp mở rộng các ấn phẩm sách dạy lịch sử theo chiều hướng gần gũi với bạn đọc trẻ mà truyện tranh được xem là chọn lựa đầu tiên.
Từ minh họa bằng tranh
Trong một cuộc khảo sát thói quen đọc sách của thanh thiếu niên hiện nay, có đến hơn 70% khẳng định ít đọc sách chữ mà chỉ đọc truyện tranh. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài truyện tranh trên thị trường sách toàn là sản phẩm nước ngoài với các nội dung mang đậm chất giải trí, đôi khi là thái quá như mang tính bạo lực, khiêu dâm, ma quái… Chính vì thế, các nhà làm sách đã nảy ra ý tưởng đưa ra các đầu truyện tranh có giá trị giáo dục cao nhằm giúp các bạn trẻ vừa thưởng thức loại hình sách quen thuộc vừa có điều kiện tiếp cận những vốn tri thức có ích.
Có thể nói, đi đầu trong việc làm các loại sách này là bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” do NXB Trẻ thực hiện từ năm 1997 với hơn 50 tập, tái hiện toàn bộ chiều dài lịch sử dân tộc, từ thời đại nguyên thủy đến tận ngày nay. Tiếp sau đó, nhiều đơn vị khác cũng lần lượt tham gia vào làm truyện tranh lịch sử như NXB Kim Đồng với bộ “Tranh truyện lịch sử Việt Nam”, NXB Giáo dục với hai cuốn “Trưng Nữ Vương khởi nghĩa Mê Linh”, “Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Hán”…
Các bộ sách trên có một điểm chung là rất vững về mặt nội dung, như bộ của NXB Trẻ do chính nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng chủ biên, bộ của NXB Giáo dục lấy nội dung trực tiếp từ sách giáo khoa… Thế nhưng, về mặt thể hiện, những bộ tranh truyện trên hầu như chỉ dừng ở mức dùng tranh để minh họa nội dung nên các nhà làm sách chỉ gọi là tranh truyện chứ không phải là truyện tranh. Chính vì thế, sức thu hút đối với bạn đọc nhỏ tuổi không đạt hiệu quả như mong muốn.
Đến truyện tranh lịch sử
“Thần đồng Đất Việt” có thể nói bộ truyện tranh có yếu tố lịch sử thành công đầu tiên. Tuy nhiên, yếu tố lịch sử trong bộ truyện tranh này chỉ đóng vai trò làm nền để các tác giả sáng tạo. Sau thành công này, nhận thấy sự hấp dẫn của mảng truyện tranh lịch sử nên Công ty Phan Thị đã mạnh tay đầu tư thực hiện bộ truyện tranh lịch sử “Truyện hay sử Việt”. Có thể nói đây được xem là một trong những bộ truyện tranh về đề tài lịch sử đúng nghĩa đầu tiên ở Việt Nam. “Truyện hay sử Việt” tập trung dành cho độc giả thiếu nhi nên nét vẽ mang đậm chất trẻ trung, tươi tắn, tạo hình thiên về phong cách truyện tranh Nhật Bản (manga) nên dễ được bạn đọc nhỏ tuổi ưa thích.
Gần đây, NXB Kim Đồng đã bất ngờ cho ra mắt bộ “Truyện tranh lịch sử Việt Nam” được đầu tư rất công phu. Nhắm vào bạn đọc thanh thiếu niên, bộ truyện tranh lịch sử này có nét vẽ theo kiểu tả thật, được chăm chút kỹ lưỡng từng khung hình một nên tạo hình các nhân vật lịch sử, các trận đánh, địa danh đều khá chi tiết. Nhiều khung hình gần đến mức như một bức tranh nghệ thuật, có những khung hình sử dụng cả lối vẽ cổ nên tạo cho bộ truyện tranh một nét đặc thù rất riêng. Chính vì thế, nhiều bạn đọc đã cho rằng bộ “Truyện tranh lịch sử Việt Nam” đã bước đầu tạo ra một phong cách riêng cho truyện tranh Việt Nam.
Cùng với các thể loại truyện tranh khác như truyện tranh theo văn học, truyện tranh danh nhân thì truyện tranh lịch sử đã góp phần nâng cao tri thức cho thế hệ trẻ Việt Nam, đem đến một cái nhìn tích cực hơn về thế giới truyện tranh, một trong những loại hình văn hóa đọc được ưa thích trong giới trẻ hiện nay.
TƯỜNG VY