Các máy ATM gạo này do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang hỗ trợ cùng 1.000 phần quà, với tổng trị giá trên 230 triệu đồng. Các tổ chức, đoàn thể còn đóng góp tổng cộng 20 tấn gạo cho các điểm đặt ATM gạo. Người nghèo gặp khó khăn ngoài việc được nhận 2kg gạo/lần rút còn nhận thêm 1 chai dầu ăn và 1kg đường.
Bà Thái Thu Xương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hậu Giang, cho biết: “MTTQ tỉnh cũng vừa tiếp nhận 8 căn nhà đại đoàn kết do Công ty XSKT Hậu Giang ủng hộ (mỗi căn trị giá 50 triệu đồng). Tính đến nay, Hậu Giang đã tiếp nhận tiền mặt, quà, trị giá gần 9 tỷ đồng, hỗ trợ cho hàng ngàn người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19”.
Cùng thời gian này, máy “ATM gạo” đầu tiên phát gạo miễn phí được đặt tại số 527 đường 3 Tháng 2, phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá (Kiên Giang) cũng bắt đầu hoạt động. Tại đây, không phân biệt, không từ chối một ai đến nhận gạo nếu có nhu cầu. Lượng gạo phát cho mỗi người 2kg/lần nhận/ngày, đủ cho một gia đình 4 người ăn trong ngày. Khi hết gạo, bà con đến nhận tiếp vào hôm sau. Máy hoạt động từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày, không chỉ giúp người nghèo ở địa bàn TP Rạch Giá mà bà con nghèo trong tỉnh khi có nhu cầu đều có thể đến nhận.
Tại Bến Tre, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức khánh thành máy ATM phát gạo miễn phí cho người nghèo tại phường 4, TP Bến Tre; dự kiến sắp tới sẽ lắp đặt thêm máy ATM gạo tại huyện Mỏ Cày Nam. Trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện có hơn 5.000 người bán vé số dạo, gần 40.000 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ. Để giúp bà con vượt qua khó khăn trong tình cảnh hiện nay, Công ty cổ phần Vũ Trụ Xanh đã tặng 2 máy ATM phát gạo miễn phí và 25 tấn gạo. Các đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân cũng hỗ trợ hàng chục tấn gạo, 10.000 quả trứng gà… nhằm giảm bớt một phần gánh nặng về chi tiêu cho bà con nghèo trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh.
Thành đoàn Đà Nẵng, Hội Doanh nhân trẻ phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên TP Đà Nẵng, UBND quận Cẩm Lệ cũng tổ chức chương trình phát gạo miễn phí bằng máy ATM tự động với chủ đề “Hạt gạo tình thương”. Ông Nguyễn Hồng Cương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng, Trưởng ban tổ chức chương trình, cho biết, ban tổ chức đã tiếp nhận ủng hộ từ doanh nghiệp, các nhà hảo tâm với tổng trị giá 135 tấn gạo, 4 máy ATM gạo, 150 triệu đồng tiền mặt, hơn 15.000 khẩu trang và hiện vật khác. Dự kiến, trung bình mỗi ngày, 2 máy “ATM gạo” đặt tại Thành đoàn Đà Nẵng sẽ chạy 3 tấn gạo phục vụ bà con. Chương trình sẽ kéo dài 60 ngày, tùy theo tình hình thực tế. Sau một tuần khởi động, ban tổ chức sẽ bố trí thêm 3 máy trên địa bàn để người dân các quận huyện khác có thể thụ hưởng. Ngoài ra, ban tổ chức sẽ cân nhắc bổ sung 4 máy phát hàng tự động với các nhu yếu phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân như: dầu ăn, nước mắm, nước tương, bột nêm, đường…
Cùng ngày, ông Huỳnh Tấn Châu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (TP Tuy Hòa, Phú Yên), cho biết, sau 2 ngày triển khai “ATM gạo” được đặt trong khuôn viên nhà trường đã có hàng ngàn lượt người đến nhận khoảng 6 tấn gạo. Theo ông Châu, trước mắt, mỗi người dân được nhận 2kg gạo và một phần rau củ quả. Riêng hộ các gia đình chính sách, hộ tàn tật, đặc biệt khó khăn sẽ nhận được 10kg gạo và một phần rau củ quả từ chương trình.