Đức nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận di cư

Theo BBC, ngày 23-4, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng một số quan chức Liên minh châu Âu (EU) đã đến Thổ Nhĩ Kỳ, động thái được cho là nhằm thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận về người di cư gây nhiều tranh cãi tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Đức nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận di cư

Theo BBC, ngày 23-4, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng một số quan chức Liên minh châu Âu (EU) đã đến Thổ Nhĩ Kỳ, động thái được cho là nhằm thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận về người di cư gây nhiều tranh cãi tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Muốn có đặc quyền

Trong khuôn khổ chuyến công du, bà Merkel và ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu cùng ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu sẽ có chuyến thăm trại tập trung Gaziantep, gần khu vực biên giới Syria và có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ahmet Davutoglu. Bà Merkel cho biết, mục đích của chuyến thăm là nhằm quan sát về điều kiện sống của những người di cư ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyến thăm diễn ra sau khi có nhiều câu hỏi về tính hiệu quả cũng như khả năng thực hiện lâu dài của thỏa thuận mới, được cho là giảm khoảng 80% số người di cư đến Hy Lạp. Thỏa thuận nhằm ngăn cản người di cư quá cảnh theo tuyến Balkan, sau đó từ Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách vượt biển vào các đảo của Hy Lạp. Tuy nhiên, Tổ chức Di trú quốc tế vừa cho biết các thuyền chở người di cư sang Hy Lạp đang có chiều hướng tăng trở lại.

Trại tập trung Gaziantep, gần biên giới Syria

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu mới đây cũng cảnh báo, nước này sẽ không duy trì thỏa thuận trên nếu EU không thực hiện đúng các cam kết miễn thị thực cho các công dân Thổ Nhĩ Kỳ kể từ tháng 6 tới. Thực tế, Đức đang là nước đi đầu trong việc duy trì các thỏa thuận để giải quyết việc người di cư. Với việc gia tăng thêm áp lực với Berlin vào thời điểm này, rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn tìm cách để giành thêm những đặc quyền, đặc lợi cho riêng mình. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean - Claude Juncker cho rằng, Thổ Nhì Kỳ cần phải đáp ứng tất cả 72 điều kiện để được miễn thị thực cho các công dân nước này và EU sẽ không giảm các yêu cầu. Theo giới quan sát, chuyến thăm của bà Merkel sẽ nhằm xoa dịu cả hai bên.

Cần hợp tác với Italia

Trong diễn biến liên quan, giới chức ngoại giao và nội vụ Hy Lạp bắt đầu tiến hành các cuộc thảo luận với các quốc gia láng giềng Albania, Bulgaria và Macedonia nhằm tăng cường hợp tác trong giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay. Đây là cuộc thảo luận lần đầu tiên giữa ngoại trưởng và bộ trưởng nội vụ của Hy Lạp với 3 quốc gia nói trên nhằm xây dựng một cơ chế phối hợp và hợp tác để ngăn chặn các đối tượng buôn người cũng như tháo gỡ vấn đề người di cư.

Phát biểu trong cuộc họp báo với 3 người đồng cấp sau cuộc thảo luận tại thành phố Thessaloniki của Hy Lạp, gần biên giới Macedonia - nơi hàng ngàn người di cư đang bị mắc kẹt ở cửa khẩu Idomeni, Ngoại trưởng Kotzias cho rằng các bên cần sớm thúc đẩy việc xây dựng cơ chế nói trên và đưa vào triển khai trong vòng 6 tháng tới. Ngoại trưởng Albania Ditmir Bushati nhấn mạnh, 4 quốc gia nói trên cũng cần tăng cường hợp tác với Italia. Theo ông, quyết định đóng cửa các khu vực biên giới dọc tuyến Balkan - lộ trình lý tưởng của người di cư cũng như do thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hạn chế dòng người di cư tràn qua khu vực này đang dấy lên những quan ngại về việc sẽ ngày càng có nhiều người tìm kiếm tị nạn liều mình vượt Địa Trung Hải qua Italia để từ đó tiếp tục tìm cách tới các quốc gia EU khác.

Trong phát biểu liên quan đến vấn đề di cư, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho rằng, các yêu cầu và lập trường đơn phương của Thổ Nhĩ Kỳ đang tạo rào cản đối với một sứ mệnh của NATO ở biển Aegean, khiến khối quân sự này không có quyền tiếp cận đầy đủ để triển khai hành động tại đây nhằm trấn áp các mạng lưới tội phạm đưa trái phép người di cư vào châu Âu. Ông Alexis Tsipras nhấn mạnh, Hy Lạp sẽ thực hiện mọi nỗ lực để ủng hộ sứ mệnh của NATO, qua đó góp phần giải quyết vấn nạn buôn người hiện nay.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục