“Cả châu Âu và thế giới đang dõi theo chúng ta. Chúng ta phải có trách nhiệm xây dựng một chính phủ ổn định”. Đó là phát biểu của Thủ tướng Đức Angela Merkel trước thềm cuộc đàm phán đầu tiên với đảng Dân chủ xã hội (SPD) nhằm thành lập chính phủ “đại liên minh”, một tiến trình được dự đoán gặp nhiều phức tạp và ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế châu Âu và thế giới.
SPD “khó nhằn”
Theo Reuters, ngày 4-10, đảng Liên minh Dân chủ xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel đã bắt đầu cuộc đàm phán đầu tiên với SPD. Theo các chuyên gia, đây là sự mở đầu cho quá trình thương lượng phức tạp có thể kéo dài sang năm 2014.
Nội bộ SPD hiện đang chia rẽ trong việc “có hay không” liên minh với CDU/CSU. Thứ nhất, 2 đảng trên có những mâu thuẫn nhất định về chính sách. Trước thềm bầu cử, bà Merkel đã hứa với cử tri sẽ không tăng thuế. Trong khi đó, SPD chủ trương tăng thuế với những người có thu nhập cao nhằm bù đắp chi phí đầu tư cho giáo dục và cơ sở hạ tầng. Thứ hai, đối với việc phân chia ghế bộ trưởng, trở ngại tồn tại lớn nhất giữa 2 đảng là bên nào cũng muốn chiếc ghế Bộ trưởng Tài chính đầy quyền lực, hiện do đồng minh của bà Merkel là ông Wolfgang Schaeuble nắm giữ. Cuối cùng, rất nhiều thành viên SPD quan ngại về số phận SPD trong tương lai sau khi kết thúc nhiệm kỳ liên minh. SPD khó có thể quên sau khi “đại liên minh” giai đoạn 2005-2009 chấm dứt, đảng này đã phải gánh chịu kết quả bầu cử quốc hội năm 2009 tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II. Vừa qua, đối tác liên minh cũ của bà Merkel, đảng Dân chủ tự do (FDP), cũng chung kết quả tương tự. Sau 4 năm tham gia liên minh cầm quyền từ 2009-2013, tại cuộc bầu cử vừa qua, FDP thậm chí còn không đạt tỷ lệ phiếu bầu tối thiểu 5% và lần đầu tiên từ năm 1949 bị loại khỏi Hạ viện liên bang.
Lãnh đạo SPD tuyên bố sẽ không nhượng bộ trong đàm phán. Tổng Thư ký SPD Andrea Nahles duy trì quan điểm cứng rắn rằng khả năng SPD có tiến tới được các cuộc thương lượng chính thức hay không vẫn là một câu hỏi mở. Theo bà Nahles, các cuộc thảo luận giữa hai bên có thể kéo dài đến tháng 12-2013 hoặc tháng 1-2014 trước khi chính phủ mới được hình thành. Nếu các thảo luận sơ bộ này hoàn tất, 200 thành viên cao cấp của SPD trên toàn liên bang sẽ phải nhóm họp và bỏ phiếu quyết định việc đảng có tiếp tục các cuộc đàm phán chính thức về thành lập liên minh với đảng bảo thủ của bà Merkel.
Không nhiều thay đổi với châu Âu
Chính vì những khó khăn có thể lường trước với SPD, trong tuần tới, CDU/CSU cũng sẽ có buổi tiếp xúc đầu tiên với đảng Xanh. Giới quan sát nhận định, kế hoạch đàm phán với cả SPD và đảng Xanh của bà Merkel sẽ làm cho hai đảng này phải tính toán cạnh tranh lẫn nhau.
Các nước EU đang theo dõi sát sao tiến trình thành lập chính phủ mới ở Berlin và lo ngại rằng những sự trì hoãn thành lập chính phủ ở Đức có thể làm chậm lại việc ra những quyết định quan trọng liên quan các biện pháp tài chính đối phó khủng hoảng ở châu Âu, như dự án đầy tham vọng về thành lập một liên minh ngân hàng châu Âu. Trong khi đó, nhiều nước châu Âu như Hy Lạp đang kỳ vọng vào một liên minh với SPD bởi trong cương lĩnh tranh cử, đảng này đã từng cho rằng chính sách thắt lưng buộc bụng không phải là liều thuốc tốt cho kinh tế EU.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bình luận rằng, với thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Đức ngày 22-9 vừa qua (chiếm 42% phiếu bầu), CDU/CSU vẫn đang ở vị thế áp đảo để Thủ tướng Merkel có thể theo đuổi các quyết sách của mình. Dù có liên minh với đảng nào, Chính phủ Đức sắp tới cũng sẽ theo đuổi chính sách từng đưa ra cho khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Đó là: kiên trì yêu cầu các nước thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng (có thể nới lỏng đôi chút) và buộc các nước trong eurozone cải cách triệt để nền kinh tế; nhận viện trợ thì phải tuân thủ các điều kiện ràng buộc.
| |
ĐỖ CAO (tổng hợp)