Chuyển nặng vì… ngại đi khám
Bé gái N.M. (10 tháng tuổi, Vĩnh Phúc) hiện đang nằm điều trị tại Khoa Nội Tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng tiên lượng nặng. Trước đó, vào tháng 9, bé N.M. bị ho, sốt, khò khè khó thở nhưng do dịch Covid-19 và nghĩ con mắc bệnh thông thường nên gia đình tự mua thuốc điều trị tại nhà. 4 ngày sau, thấy con sốt cao kèm khó thở, tím tái, gia đình mới đưa đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc để thăm khám. Tại đây, bé N.M. được các bác sĩ chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi và tim bẩm sinh. Do tình trạng chuyển biến nặng, bé N.M. được chuyển đến Khoa Nội Tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp thục theo dõi và điều trị. Bác sĩ Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Trung tâm Tim mạch, cho biết, bé N.M. nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng do virus RSV, suy hô hấp, suy tim, tăng áp phổi nặng, còn ống động mạch lớn. Hiện trẻ vẫn phải thở máy, nguy kịch do nhập viện muộn và quá “thời điểm vàng” để phẫu thuật.
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TPHCM) tiếp nhận trường hợp bé gái L.S.V. (13 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) nhập viện trong tình trạng khó thở, tím tái, tay chân lạnh, mặt, chân tay xanh mét. Khai thác bệnh sử ghi nhận, bé thường xuyên chảy máu mũi và tự cầm. Lần này, bé chảy máu mũi nhiều, ói, mệt và được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Kết quả thăm khám cho thấy trẻ có túi phình động mạch cảnh trong trái gần xoang hang cạnh vùng xoang mũi, khi bị xì vỡ gây chảy máu mũi. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, lưu ý: “Phụ huynh khi thấy con em mình bị chảy máu mũi, hãy lập tức sơ cứu bằng cách cho trẻ chồm người ra trước, cổ ngửa về phía sau, lấy ngón tay trỏ hoặc ngón tay cái đè chặt vào cánh mũi bên chảy máu, đè cả 2 bên nếu chảy 2 bên, hướng dẫn trẻ thở bằng miệng. Sau đó, đưa trẻ tới bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, tìm nguyên nhân chảy máu mũi và có hướng điều trị thích hợp”.
Cần hỗ trợ tâm lý
Bác sĩ Lê Hồng Quang cho biết, ở Bệnh viện Nhi Trung ương, có không ít bệnh nhi được chẩn đoán tim bẩm sinh phức tạp phải trải qua 2-3 lần phẫu thuật. Tuy nhiên, sau khi được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật tim bẩm sinh lần đầu thành công, các cháu lại không đến khám để phẫu thuật lần 2, lần 3 theo đúng lịch hẹn của bác sĩ hoặc không tái khám để uống thuốc điều trị trong giai đoạn phẫu thuật lần tiếp theo.
Thực tế này cũng được bác sĩ Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, nêu ra. Theo bác sĩ Loan, trẻ khi bị các bệnh mạn tính thường cảm thấy lo lắng, mặc cảm, tự ti về bệnh tật, mệt mỏi về thể chất. Hơn nữa, việc thường xuyên phải uống thuốc trong thời gian dài sẽ khiến trẻ cảm thấy sợ uống thuốc, dễ bị quên uống thuốc, quên thời điểm chính xác cần phải uống thuốc dẫn đến việc kém tuân thủ điều trị. Trong khi đó, phía gia đình lại có tâm lý e ngại dịch Covid-19, cộng thêm việc đi lại trong mùa dịch khó khăn khiến cha mẹ không đưa con đi khám kịp thời... Tất cả những lý do này đều dẫn đến quá trình điều trị bị gián đoạn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ.
Cùng với đó, bác sĩ Đỗ Minh Loan nhấn mạnh, việc hỗ trợ tâm lý cho trẻ và gia đình trẻ bị bệnh, nhất là các bệnh mạn tính là hết sức cần thiết. Trong quá trình hỗ trợ tâm lý, các chuyên gia y tế cho rằng cần thiết lập các mối quan hệ giữa bệnh nhi và gia đình để tạo sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau, nắm bắt hoàn cảnh sống, nhu cầu hàng ngày, sự thay đổi tâm lý để hỗ trợ theo đặc thù từng cá nhân. Trẻ cần được cha mẹ hướng dẫn đúng đắn, phù hợp nhất, rèn luyện các kỹ năng để đương đầu và chung sống với tình trạng bệnh của bản thân, tuân thủ điều trị của bác sĩ.