Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện làm việc cũng như yếu tố có hại phát sinh trong quá trình lao động sản xuất, gây tác động xấu đến sức khỏe của người lao động.
Ở Việt Nam, tính đến năm 2011 có khoảng 30.000 người mắc bệnh nghề nghiệp, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Thủ tướng cũng đã phê duyệt Chương trình quốc gia về an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2011-2015 và thực hiện Công ước 187 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về vấn đề này nhưng thời gian qua mỗi năm vẫn có thêm 1.500-2.000 người bị mắc bệnh nghề nghiệp.
Lý do bệnh nghề nghiệp ngày càng gia tăng là trong quá trình phát triển kinh tế, sự tiếp nhận các kỹ thuật, các loại hình lao động mới ngày càng nhiều tất yếu dẫn đến sự phát sinh các bệnh nghề nghiệp mới. Người lao động sau khi bị bệnh nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn như: phát sinh chi phí điều trị thương tật, bệnh tật, phục hồi chức năng; thu nhập giảm do bị suy giảm khả năng lao động; người phục vụ…
Một số công việc những tưởng đơn giản nhưng tỷ lệ người mắc bệnh nghề nghiệp khá cao như công nhân may dễ mắc các bệnh về phổi, gai cột sống; công nhân thủy sản dễ giãn tĩnh mạch do đứng nhiều…
Tuy nhiên đến nay không ít bệnh chưa có trong danh mục bệnh nghề nghiệp. Mặc dù mới đây Bộ Y tế đã bổ sung thêm bệnh nhiễm độc cadimi nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân, nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội nhưng vẫn còn thiếu nhiều bệnh phát sinh trên thực tế chưa có trong danh mục.
Theo quy định, khi có dấu hiệu mắc bệnh nghề nghiệp, người lao động sẽ được đưa ra hội đồng giám định y khoa. Nếu hội đồng giám định y khoa xác định người lao động bị bệnh nghề nghiệp, họ sẽ được ứng tiền của doanh nghiệp để chữa bệnh và hưởng các chế độ về bảo hiểm xã hội theo quy định.
Tuy nhiên, để khỏi tốn kém chi phí, không ít doanh nghiệp đã không thực hiện khám bệnh định kỳ để phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Kết quả cho thấy việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động chỉ thực hiện ở gần 80% các doanh nghiệp. Trong số hơn 20% doanh nghiệp còn lại, nhiều doanh nghiệp nhiều năm liền chưa tổ chức khám sức khỏe cho người lao động.
Cuộc khảo sát trên cũng cho thấy lao động phải làm việc trong điều kiện máy móc lạc hậu, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao. Cụ thể, ngoài 18,1% lao động được hỏi không có ý kiến thì có 55% lao động cho rằng nhà xưởng làm việc nóng, 56% khẳng định rất ồn, độ rung cao, 47% cho rằng khu làm việc có bụi công nghiệp.
Theo đánh giá của các chuyên gia, rất nhiều ngành mà lao động luôn bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp với các loại bệnh khá nguy hiểm song không có trong danh mục quy định của Bộ Y tế đã gây thiệt thòi cho người lao động.
Thiết nghĩ, doanh nghiệp và cả người lao động cần được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động, cải thiện môi trường làm việc và nhất thiết phải tổ chức khám bệnh định kỳ hàng năm cho lao động.
HỒ THU