Nghe chữ “Bộ Tài chính” là người ta muốn nghĩ đến con số. Nghe là có cảm giác khô khan. Thế nhưng, tuần rồi, Bộ Tài chính đã không chỉ đưa ra được những con số khô khan. Dự thảo thuế thu nhập cá nhân được Bộ Tài chính đưa ra, đã dự kiến thu thuế bắt đầu từ những người có thu nhập 6 triệu đồng/tháng, áp dụng từ năm 2014. Những con số rõ ràng này, lại một lần nữa, gây xôn xao dư luận.
Thông cảm mà nói, chuyện thuế má là chuyện dễ làm cho người đóng thuế không vui nhất. Nói chuyện không vui vào lúc người dân không vui, lúc mà giá cả - đặc biệt là một số mặt hàng thiết yếu - cứ kéo nhau đi lên, kinh tế thế giới lại có chiều hướng… kéo nhau đi xuống thì bức xúc rất dễ chồng lên bức xúc.
Nhưng công bằng mà nói, những bức xúc của người dân về dự luật thuế này có rất nhiều bức xúc... hợp lý. Đặc biệt là bức xúc mức lương để tính thuế, Bộ Tài chính đưa ra một con số cố định. Con số 6 triệu đồng cho 2 năm sau là một con số mà ngay từ bây giờ đã rất khó có thể nói chắc là thu nhập cao hay thu nhập thấp. Mà dự luật thuế đó lại dự định áp dụng cho tới 5 năm nữa, đến 2018 mới thay thế. Một con số cố định để thu thuế, trong khi lương và mặt bằng giá không cố định, mức sống và chỉ số giá của các vùng miền có sự chênh lệch, không cho thấy sự linh hoạt của những người thu thuế. Thậm chí, đối với nhiều người, nhiều vùng miền, với mức sinh hoạt đắt đỏ, có thể ước thấy, hai năm nữa mức thuế kể trên đã lạc hậu ngay lúc mới vừa được áp dụng.
Nhiều ý kiến cho rằng, nên tính thuế theo một tỷ lệ nhất định của lương tối thiểu, bởi vì mức lương tối thiểu thường được Nhà nước điều chỉnh cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội. Hơn nữa, lương tối thiểu được tính đến các yếu tố kinh tế khác nhau như theo vùng, theo khu vực… Mặc dù cách tính là không đơn giản như việc chỉ đưa ra một con số và áp dụng trên cả nước nhưng chính việc quan tâm đến điều kiện sống ở những vùng khác nhau, những khu vực khác nhau của lương tối thiểu, đã thể hiện rõ hơn sự công bằng và cái tình của những người làm chính sách: không chọn cái dễ cho mình, mà đẩy cái khó cho dân.
Đôi khi, sự khô khan không đến từ con số, mà đến từ cách người ta đặt ra những con số đó.
MAI HƯƠNG