Nông dân sản xuất giỏi

Đứng dậy sau hai lần dịch cúm

Đứng dậy sau hai lần dịch cúm

Anh Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi, cho biết: “Về chuyển đổi sau dịch cúm gia cầm, anh Nguyễn Như Lân (ấp An Bình, xã Trung An) là người gượng dậy và làm ăn hiệu quả nhất. Hơn một năm trước, toàn bộ vịt nuôi của anh bị tiêu hủy, vốn liếng hơn nửa tỷ bạc đi đứt, vậy mà anh chuyển đổi một cách ngon lành”.

Năm 1994-1995, từ một ốc đảo bưng biền trũng thấp, hoang hóa, anh Lân đã cải tạo thành một khu đất nông nghiệp trù phú và hái ra tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đến năm 2003-2004, trang trại của anh có khoảng 30.000 con vịt đẻ và thịt được anh gầy dựng sau 10 năm ăn, ở cùng với đồng sâu, bưng biền.

Đứng dậy sau hai lần dịch cúm ảnh 1

Ao cá ba sa này anh Lân sắp thu hoạch. Ảnh: N.P.L.

Thế nhưng, qua 2 mùa dịch cúm, đàn vịt của anh bị tiêu hủy hoàn toàn và anh bị trắng tay. Không nản chí, bằng số vốn nhỏ nhoi từ tiền hỗ trợ tiêu hủy gia cầm của TP, anh khăn gói xuống Châu Đốc, tỉnh An Giang để tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá ba sa, cá sặt rằn…

Anh nghĩ, những loại cá này sống ở nước ngọt và chỉ có ở đồng bằng sông Cửu Long, người dân ở đây nuôi để xuất khẩu, hoặc nếu bán trong nước giá cũng rất cao.

Tại sao vùng đất trũng thấp và có nước ngọt quanh năm như sông Sài Gòn không thể nuôi? Nếu không xuất khẩu được thì thị trường tại TPHCM cũng rất cần. Thế là anh Lân bắt tay gầy dựng lại cơ ngơi mới.

Ngày đêm anh ra công đào ao, lên đất đắp bờ bao thành những vuông nuôi cá, một phần chuồng trại cũ sửa sang lại nuôi bò sữa và nuôi heo.

Mùa cá ba sa đầu tiên anh thu được trên 50 triệu đồng; cá dài tho, sặt rằn cũng mang lại số tiền từng đó về cho anh. “Vạn sự khởi đầu nan”, anh bước vào mùa thả cá thứ hai với trên 5.000 con cá ba sa và hàng chục ngàn cá sặt rằn. Để có nguồn thức ăn lớn và ổn định cho cá, anh Lân đã ký hợp đồng dài hạn với các bếp ăn ở các công ty đóng trên địa bàn xã.

Hiện nay số cá này đang bước vào thu hoạch. Anh lạc quan cho biết, vụ thu hoạch này có thể gấp đôi vụ trước, chưa tính 150 heo thịt được nuôi trên nền chuồng vịt sẽ thu về hàng trăm triệu đồng và đàn bò sữa hơn chục con.

Anh tâm sự: “Làm nông nghiệp phải tính đến rủi ro về thiên tai, thời tiết và giá cả. Cúm gia cầm vừa qua cũng coi như thiên tai nên phải chấp nhận. Nhưng người chuyên sống bằng nghề nông phải biết nhanh chóng đứng dậy mà làm lại từ đầu”.

Và anh đã chứng minh được điều đó bằng mô hình “ao-chuồng” của mình. Quan niệm về cách làm nông nghiệp của người nông dân ngoài 40 tuổi này khiến cánh nông dân không chỉ trong xã mà cả huyện thán phục. 

QUANG ĐẠT

Tin cùng chuyên mục