Đừng để bế tắc trong giáo dục trẻ

Gần đây, không ít vụ việc xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng có liên quan đến sự bế tắc trong giáo dục trẻ. Từ vụ người mẹ tưới xăng lên người con rồi châm lửa đốt gây chấn thương nặng, hay chỉ vì lòng tự ái cao độ với chồng mà hai mẹ con tự tử dưới cống nước… Hay chuyện cô giáo ở Văn Quan, Lạng Sơn “để trẻ ở ngoài ăn rác vì khóc mãi không ngừng” và hàng loạt các bảo mẫu có hành vi bạo lực với trẻ nhỏ… khiến chúng ta không khỏi băn khoăn về cách ứng xử của những người được xem là chỗ dựa tin cậy cho những đứa trẻ.
Đừng để bế tắc trong giáo dục trẻ

Gần đây, không ít vụ việc xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng có liên quan đến sự bế tắc trong giáo dục trẻ. Từ vụ người mẹ tưới xăng lên người con rồi châm lửa đốt gây chấn thương nặng, hay chỉ vì lòng tự ái cao độ với chồng mà hai mẹ con tự tử dưới cống nước… Hay chuyện cô giáo ở Văn Quan, Lạng Sơn “để trẻ ở ngoài ăn rác vì khóc mãi không ngừng” và hàng loạt các bảo mẫu có hành vi bạo lực với trẻ nhỏ… khiến chúng ta không khỏi băn khoăn về cách ứng xử của những người được xem là chỗ dựa tin cậy cho những đứa trẻ.

Điều này đang đặt ra vấn đề đối với các nhà giáo dục, các chuyên gia tâm lý tìm kiếm những giải pháp góp phần ngăn chặn hành vi tiêu cực, ngăn ngừa những bế tắc trong cách ứng xử với trẻ hiện nay. Có thể nhận thấy rằng, những vụ việc tương tự xảy ra trong thời gian qua phần lớn do họ bế tắc trong cuộc sống mà cốt lõi là bế tắc trong cách ứng xử với các thành viên trong gia đình. Châm lửa đốt con vì con bỏ học chơi game online cũng vì bế tắc trong cách dạy con rồi dẫn đến hành động nông nổi, bốc đồng, thiếu suy nghĩ; hoặc không làm chủ được cảm xúc khi lòng tự ái cao độ mà dẫn đến cái chết oan uổng của hai mẹ con… hay cô giáo dù được trang bị đầy đủ kiến thức về tâm lý trẻ lại không biết làm sao khi bé khóc hoài không ngưng. Do vậy, để góp phần ngăn chặn được những hành vi tiêu cực như trên, cần chú ý mấy liệu pháp tâm lý sau đây:

1. Nâng cao về nhận thức: Mỗi bậc làm cha mẹ cần thường xuyên trang bị kiến thức để nâng cao hiểu biết về giữ gìn cuộc sống gia đình. Phải thể hiện được vai trò, trách nhiệm của cha mẹ trong giáo dục con cái. Nắm chắc các quyền của trẻ em, cần loại bỏ ngay suy nghĩ mình có quyền “sinh” thì cũng có quyền “sát” đối với những đứa con của mình. Như thế vừa trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, vừa vi phạm pháp luật vì xâm hại đến người khác. Những ai đã chọn cho mình nghề giáo thì phải cố gắng hết trách nhiệm và tình thương khi chăm sóc con trẻ. Trẻ em cần được tôn trọng và yêu thương, là người trực tiếp chăm sóc, giáo dục và quản lý bé thì cần phải làm đến nơi đến chốn. Tuyệt đối không làm tổn thương trẻ về tinh thần cũng như thể chất.

Trẻ em luôn cần được yêu thương (Ảnh: T.L.)

Đặc biệt, ở địa phương cần phát huy được vai trò của các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền, phổ biến giáo dục đến các gia đình mà nhất là những bậc làm cha mẹ, thầy cô còn trẻ tuổi, còn non trong kinh nghiệm giải quyết các tình huống bất ngờ. Có thể lập nên các trung tâm tư vấn tâm lý cộng đồng ở mỗi phường, thị trấn để các chuyên gia sẵn sàng chia sẻ, gỡ rối những khó khăn, áp lực trong gia đình. Tuy nhiên, điều quyết định nhất chính là các thành viên trong gia đình, cả vợ lẫn chồng đều phải thể hiện sự tôn trọng nhau, hiểu nhau trong cách giáo dục con trẻ; cha mẹ phải thực sự là người nắm vững đặc điểm tâm lý con cái từ đó mà can thiệp, uốn nắn, dạy dỗ trẻ khi có những biểu hiện sai lệch.

2. Luôn có thái độ tích cực, lạc quan: Đây là vấn đề tâm lý cần thiết của mỗi gia đình. Cuộc sống bao giờ cũng có áp lực nhưng chúng ta nên điều tiết sao cho áp lực đó kích thích chúng ta có lối sống lành mạnh hơn, chủ động hơn, biết kiềm chế những hành động nhất thời, hoặc kích thích chúng ta vươn tới những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Chính bầu không khí tâm lý tích cực, hòa thuận, vui vẻ trong mỗi gia đình sẽ là điều kiện để gỡ rối những khó khăn cũng như có thể giải quyết được những mâu thuẫn, xung đột có thể xảy ra. Trong giáo dục trẻ, phải có niềm tin và cách nhìn lạc quan đối với mỗi bé. Hướng bé học hỏi những điều ngoan ngoãn và tốt lành. Đồng thời, bày tỏ lòng mong muốn bé luôn tiến bộ. Còn nếu chỉ nhìn thấy hạn chế, khuyết điểm của trẻ như bé chỉ bướng bỉnh, khó bảo, lỳ lợm…thì sẽ bế tắc trong quá trình hoàn thiện nhân cách cho bé.

3.
Biết kiểm soát hành vi: Thực tế, không làm chủ được hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây nên những hậu quả ở trong mỗi gia đình. Trong quan hệ vợ chồng, khi có mâu thuẫn thì có nhiều cách giải quyết tích cực. Tất cả những hành vi đó bao giờ cũng hướng đến sự điều hòa chứ không nên tìm đến giải pháp mang tính tiêu cực. Đối với việc dạy trẻ, chúng ta cũng có thể đánh trẻ, mắng trẻ nhưng bao giờ cũng phải mang tính giáo dục, đó chính là kỷ luật không nước mắt. Làm sao trẻ hiểu được ý nghĩa đối với hành động của người lớn và lần sau sẽ không tái phạm. Đặc biệt, cần tránh những hành vi mang tính bạo lực, thậm chí côn đồ, tàn độc như đốt con, đạp con đến gãy cổ, dùng điếu cày, gậy gục để phạt con trẻ, nhốt trẻ một mình cho trẻ sợ…thì đó không phải là giáo dục mà là bạo hành nghiêm trọng phải được xử lý bằng pháp luật. Trong cuộc sống còn nhiều căng thẳng, lo lắng nhưng các bậc làm cha mẹ, thầy cô nếu biết kiềm chế, tự chủ trong hành xử vừa giúp chúng ta giải quyết êm đẹp các mối quan hệ, vừa là tấm gương để trẻ học hỏi và vận dụng trong các quan hệ của chúng sau này.

Thạc sĩ tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG

Tin cùng chuyên mục