Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận đang rất băn khoăn và quan tâm là sau những lần lấy ý kiến đóng góp, không ít nội dung trong dự thảo luật này có quy định theo chiều hướng lỏng lẻo hơn, thậm chí bị làm yếu đi. Trong đó, nội dung quan trọng là quy định về quản lý quảng cáo và giờ bán, điểm bán rượu, bia đã được đưa ra khỏi dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia từng đưa đề xuất giờ bán rượu bia là từ 11 - 14 giờ và 17 - 22 giờ hàng ngày; trừ trường hợp bán rượu bia tại khu vực bay quốc tế và khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.
Tuy nhiên, đề xuất này bị phản đối và buộc Bộ Y tế phải đưa ra khỏi dự thảo. Trong khi để hạn chế lạm dụng rượu bia thì một trong những biện pháp hữu hiệu là cần có quy định về số lượng, thời gian, địa điểm các cửa hàng bán bia rượu cho người uống tại chỗ hoặc mua về. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiệt hại kinh tế do rượu bia chiếm 1,3% - 12% GDP của mỗi quốc gia.
Giả sử tại Việt Nam, nếu tổn thất kinh tế do rượu bia ở mức thấp nhất thế giới là 1,3%, GDP cũng mất đứt 65.000 tỷ đồng/năm. Tệ hơn, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp của hơn 200 loại bệnh và chấn thương khác nhau.
“Còn nhiều khoảng trống mà dự án luật chưa điều chỉnh, đặc biệt là 3 biện pháp hiệu quả nhất mà WHO khuyến cáo: kiểm soát sự sẵn có của rượu bia, kiểm soát quảng cáo rượu bia, chính sách thuế và giá. Nếu không quy định hoàn chỉnh các biện pháp theo khuyến cáo của WHO thì luật khó đạt được mục tiêu”, ông Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.