Tuần qua, thể thao trong nước có vẻ khởi sắc hơn một chút trong những ngày đầu xuân với trận thắng 2-0 của đội tuyển Olympic Việt Nam trước Lebanon. Tuy nhiên, dấu ấn của chiến thắng ấy cũng không khỏa lấp được nỗi buồn về sự kiện tuyển thủ điền kinh Nguyễn Duy Bằng xin nghỉ thi đấu và đội bóng đá U18 Quảng Nam đồng loạt “lãng tập”. Tất cả cũng vì chế độ đãi ngộ.

Nỗi buồn của Duy Bằng khi thi đấu không thành công tại Asian Games 15-2006. Ảnh: QUANG THẮNG.
1- Chuyện “chuyên gia” nhảy cao Duy Bằng xin nghỉ, những ngày qua đã khiến giới điền kinh, lẫn dư luận phải “nhảy dựng” với nhiều ý kiến trái chiều.
Việc chế độ đãi ngộ không tốt khiến các VĐV không còn hứng thú và đam mê với nghiệp thể thao đã đành (vì đã nói quá nhiều mà có thay đổi được gì đâu), nhưng ở góc độ của Duy Bằng thì cần nhìn rõ hơn một chút. Bởi với các đồng đội của môn điền kinh, cũng như các đội tuyển khác, chế độ của Bằng không hề kém cạnh, thậm chí là còn hơn hẳn. Nên việc Bằng xin nghỉ thi đấu phần nhiều mang nặng tính cá nhân, cũng như có chút tự cao của một “ngôi sao”. Đó là điều có thật!
Tuy nhiên, cũng cần thấy rõ sự đối xử của của những người có trách nhiệm đã “góp công” lớn trong việc anh giũ áo ra đi. Mới đây có thông tin, Sở TDTT Bến Tre hứa sẽ cấp cho Bằng một cái nền nhà nếu tiếp tục thi đấu và có HCV SEA Games 24 vào tháng 12 tới. Nghe thì có vẻ hấp dẫn đấy, nhưng nghĩ lại thấy buồn. Bao lâu nay người ta luôn có cái thói quen theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”, khi VĐV lên tiếng đòi nghỉ thi đấu thì những người có trách nhiệm mới cuống cuồng lo giữ người bằng những lời hứa này nọ. Vậy tại sao không chăm lo, quan tâm đến những tâm tư, tình cảm của VĐV lúc họ đang thi đấu vì màu cờ sắc áo của tổ quốc, và vì “thành tích để báo cáo” của các địa phương?
Nhắc đến chuyện này lại nhớ cách đây gần 10 năm, khi tay bơi số 1 Việt Nam Trương Ngọc Tuấn khi còn thi đấu cho Bình Định. Lúc còn bơi cho Bình Định, cả năm trời anh không nhận được một đồng lương nào, nhưng đến khi quyết dứt áo về thi đấu cho Quân đội thì Sở TDTT Bình Định mới vội vàng cho người mang lương vào rồi hứa hẹn đủ các kiểu, nhưng Tuấn vẫn quyết ra đi.
Thế là diễn ra một cuộc tranh chấp quyết liệt giữa hai đơn vị Bình Định và Quân đội. Kết quả chỉ có VĐV là bị thiệt, khi Trương Ngọc Tuấn bị “treo” không được thi đấu gần 3 năm, dù dư luận khi ấy đã lên tiếng rất nhiều. Chuyện chỉ có ở thể thao Việt Nam!
2- Từ những chuyện trên lại liên tưởng sang việc “lãng tập” của các cầu thủ trẻ U18 Quảng Nam. Đang tuổi ăn, tuổi lớn nhưng chế độ ăn uống chỉ có 20 ngàn đồng/ngày thì làm sao các cầu thủ trẻ này đủ no, đã không no thì lấy sức đâu mà tập, chưa kể chổ ở và sân tập cũng rất tệ hại. Chính vì thế đã dẫn những cầu thủ này đến bức xúc và… lãng tập. Ngay sau đó, dư luận lại thêm một lần “tá hỏa” với thông tin, ông giám đốc Sở TDTT tỉnh Quảng Nam đã ra lệnh “cắt cơm”, bỏ đói các cầu thủ này như một hình thức kỷ luật về cái tội chống đối.
Sự việc đã như giọt nước làm tràn ly khiến các phụ huynh sôi lên vì xót con và kéo đến Sở TDTT tỉnh để “hỏi cho ra lẽ” khiến đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Hải phải đứng ra giải quyết. Ông Nguyễn Đức Hải đã chỉ đạo Sở Tài Chính và Sở TDTT nâng chế độ ăn của các cầu thủ đội U18, cũng như VĐV tất cả các môn khác, lên thêm từ 5 đến 10 ngàn đồng/người/ngày. Hỗ trợ 100% học phí cho các VĐV theo học văn hóa, cũng như cố gắng cải thiện nơi ăn ở và tập luyện của các VĐV cho tốt hơn… Quyết định của ông chủ tịch tỉnh làm các phụ huynh mát lòng và sự việc cũng dần êm xuôi. Thế nhưng, nếu những người lớn nhìn ra sự việc sớm hơn và có sự quan tâm hơn đến các VĐV thì đâu đến nỗi!
Cuối năm nay sẽ diễn ra SEA Games 24 tại Thái Lan, và thời gian này là đỉnh điểm của việc chuẩn bị cho những cuộc tranh tài vào tháng 12 tới. Mong rằng các quan chức ngành thể thao có tầm nhìn xa hơn để có sự chuẩn bị tốt hơn, cũng như quan tâm hơn đến tâm tư tình cảm của các VĐV để không còn bị lặp lại tình cảnh “mất bò mới lo làm chuồng” như hiện nay.
TUẤN THÀNH