
Mới đây, 33 doanh nghiệp Hàn Quốc trực tiếp sang VN tuyển 100 lao động có trình độ cao sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình Thẻ vàng. Con số lao động được tuyển dụng chưa được công bố chính thức nhưng theo nhận xét chung của các doanh nghiệp Hàn Quốc thì trình độ ngoại ngữ của lao động có trình độ cao-những kỹ sư, chuyên gia của VN chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.

Lao động của Công ty Sovilaco học ngoại ngữ trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Hiện có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang triển khai các chương trình xuất khẩu kỹ sư, chuyên gia, lao động có trình độ cao khác cũng gặp khó khăn do ứng viên có thể đạt yêu cầu có trình độ chuyên môn cao nhưng yếu về ngoại ngữ chuyên ngành, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh kém.
Nhận định về thực trạng này, ông Trịnh Vĩnh Hội, Tổng Giám đốc ChauHung (JSC), nói với vẻ tiếc rẻ: “ Cơ hội dành cho lao động có trình độ kỹ thuật cao đi các nước làm việc với thu nhập cao, môi trường làm việc chuyên nghiệp rất lớn nhưng vì ngoại ngữ yếu nên số ứng viên được tuyển chọn chưa nhiều”.
Thực tế này cho thấy, ngay cả lao động có trình độ cao của VN cũng bị hạn chế về ngoại ngữ thì lao động có trình độ thấp hơn và lao động phổ thông đi xuất khẩu lao động còn tệ đến mức nào? Đến các nhà máy ở Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan… chúng tôi đều nghe những điều than phiền của chủ sử dụng nước ngoài về khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ của lao động VN kém nhất so với lao động của các nước khác.
Chính vì thế, nhiều nhà máy, xí nghiệp nước ngoài muốn triển khai những chương trình huấn luyện về an toàn lao động, nội quy, kỷ luật lao động, đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc cho lao động VN nhưng không thực hiện được. Do bất đồng ngôn ngữ nên lao động VN thường sống co cụm , không có khả năng trao đổi trực tiếp với chủ sử dụng lao động nước ngoài về những vấn đề vướng mắc phát sinh trong công việc, chế độ làm việc, thu nhập và tự bảo vệ mình. Đây là nguyên do dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp của lao động VN ở nước ngoài gia tăng trong thời gian gần đây.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến trình độ ngoại ngữ nói chung của lao động VN còn yếu? Điểm lại thực tế cho thấy, việc đào tạo và trang bị ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường bộc lộ nhiều hạn chế. Từ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đến sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, phần đông không thể giao tiếp bằng tiếng Anh.
Trong khi mặt bằng ngoại ngữ của lao động VN còn thấp, trong đó có nhiều lao động phổ thông chưa được xóa mù tiếng Anh thì thời gian giáo dục định hướng, dạy ngoại ngữ cho họ trước khi đi nước ngoài làm việc lại quá ngắn. Với khoảng thời gian quy định học ngoại ngữ từ 2 đến 3 tháng tùy theo các thị trường, phần đông lao động VN khó hội nhập ngay với môi trường làm việc và sinh sống ở nước ngoài.
Để chuẩn bị nguồn lao động có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài, vừa qua nhiều công ty xuất khẩu lao động đã chủ động trang bị ngoại ngữ cho người lao động. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là muốn đào tạo ngoại ngữ cho lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐ-TB-XH lại yêu cầu phải có hợp đồng tiếp nhận lao động của đối tác nước ngoài thì mới được triển khai đào tạo ngoại ngữ.
Thế nhưng, khi có hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài thì thời gian còn lại rất ngắn. Chính vì thế, ngoài mở rộng chương trình dạy ngoại ngữ ở các trường phổ thông, đại học, nhà nước cần khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo ngoại ngữ, phổ cập ngoại ngữ cho người lao động bằng nhiều cách, miễn là là đảm bảo các điều kiện cần và đủ để mở cơ sở đào tạo ngoại ngữ theo quy định.
Ngoài ra, cũng cần thay đổi cơ chế kiểm tra, giám sát việc dạy ngoại ngữ và thống nhất cấp bằng, chứng chỉ ngoại ngữ trong cả nước. Người học có quyền chọn bất cứ cơ sở ngoại ngữ nào để học nhưng để có chứng chỉ, văn bằng đạt chuẩn thì phải qua hội đồng kiểm tra và cấp bằng mang tính quốc gia. Bên cạnh đó, để chuẩn bị đi nước ngoài làm việc, người lao động cũng cần chủ động trang bị ngoại ngữ cho mình. Có như thế, đội ngũ lao động VN đi nước ngoài làm việc mới hội nhập và làm việc tốt nhất.
HOÀNG ANH