Đừng để thêm những tai nạn thương tâm

Những vụ tai nạn thương tâm vẫn xảy ra bất chấp những cảnh báo từ thực tế và sự răn đe của luật pháp. Phải chăng vì trong những vụ tai nạn vừa qua, gần như chưa thấy cá nhân, đơn vị nào liên quan bị xử lý nghiêm khắc nên nhiều người vẫn thờ ơ?

Điều 109 Luật Xây dựng năm 2014 quy định rõ: “Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm quản lý toàn bộ công trường xây dựng theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp chủ đầu tư tổ chức quản lý. Nội dung quản lý công trường xây dựng gồm: xung quanh khu vực công trường xây dựng phải có rào ngăn, trạm gác, biển báo dễ nhìn, dễ thấy, để đảm bảo ngăn cách giữa phạm vi công trình với bên ngoài; vật tư, vật liệu, thiết bị chờ lắp đặt phải được sắp xếp gọn gàng theo thiết kế tổng mặt bằng thi công; trong phạm vi công trường xây dựng phải có các biển chỉ dẫn về sơ đồ tổng thể mặt bằng công trình, an toàn, phòng, chống cháy, nổ và các biển báo cần thiết khác; nhà thầu thi công xây dựng phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và phương tiện ra vào công trường...”.

Không chỉ Luật Xây dựng năm 2014, các luật liên quan khác như Luật An toàn, Vệ sinh lao động cũng quy định: “Người nào vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật”. Luật Trẻ em cũng có rất nhiều quy định về trách nhiệm bảo vệ tính mạng, sự an toàn cho trẻ nhỏ…

Cứ nghĩ đến cháu Thái Lý Hạo Nam (bị lọt xuống cọc bê tông rỗng bên trong, đường kính 25cm, đóng xuống đất khoảng 35m tại công trình cầu Rọc Sen ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đã sợ hãi, đau đớn như thế nào, chúng ta không khỏi thắt lòng.

Đáng nói, trước đó mấy ngày, tại Đồng Nai, một bé gái 5 tuổi cũng lọt xuống lỗ cọc ép bê tông sâu khoảng 15m, đường kính 40cm tại một công trường xây dựng. Bé may mắn được cứu thoát nhưng phải trải qua cơn hoảng loạn cực độ.

Cách đây vài năm, một bé gái khác ở Bình Dương cũng may mắn được cứu thoát khi lọt xuống giếng công nghiệp có đường kính chỉ 40cm. Hơn 200 người tham gia giải cứu. Lực lượng cứu hộ vừa nỗ lực cứu người, vừa dỗ dành động viên bé trấn tĩnh khi phải một mình ở dưới giếng sâu tăm tối.

Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn như 2 bé trên. Ngày 28-8-2020 ở Biên Hòa, Đồng Nai, một bé trai 7 tuổi chết đuối khi lọt xuống cống một công trình xây dựng. Trước đó, bé trai 11 tuổi ngụ tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cũng không qua khỏi khi bị nước cuốn vào cống. Hình chụp hiện trường cho thấy đó là một đoạn cống hở, rất lớn, hoàn toàn không được che chắn gì.

Đó chỉ là vài vụ tai nạn thương tâm điển hình. Những nỗi đau, sự hoảng loạn, sợ hãi, thậm chí là cả cái chết, của những đứa trẻ hồn nhiên, vô tư chẳng lẽ không cảnh báo điều gì cho những người làm công tác quản lý các công trình, công trường xây dựng?

Những vụ tai nạn thương tâm vẫn xảy ra bất chấp những cảnh báo từ thực tế và sự răn đe của luật pháp. Phải chăng vì trong những vụ tai nạn vừa qua, gần như chưa thấy cá nhân, đơn vị nào liên quan bị xử lý nghiêm khắc nên nhiều người vẫn thờ ơ? Các cơ quan chức năng rà soát lại, tìm hiểu đâu là nguyên nhân chính để có giải pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời. Mong rằng, những tai nạn thương tâm như trên sẽ không bao giờ xảy ra nữa, để không còn những tiếng thở dài “giá như...”.

Tin cùng chuyên mục