Dung dưỡng!

Trái ngược với những chỉ trích gay gắt của nhiều nhân vật quyền lực ở Nhà Trắng trước đó, ngày 17-3, trả lời cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox News, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định “không có khủng hoảng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Israel”. Tổng thống Obama còn nhấn mạnh rằng Mỹ có một “mối quan hệ đặc biệt với Israel và điều này sẽ không bao giờ mất đi”. Đây là những tuyên bố công khai đầu tiên của Tổng thống Mỹ về những căng thẳng trong quan hệ với Israel sau khi Nhà nước Do Thái công bố kế hoạch xây 1.600 nhà định cư mới ở Đông Jerusalem (khu vực chiếm đóng của Palestine).

Ngay cả Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, mặc dù mới hôm trước cũng lớn tiếng chỉ trích kế hoạch trên là một “sự xúc phạm” đối với Washington, đồng thời phá hoại tiến trình hòa bình khu vực mà Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy thì nay bà nhấn mạnh Washington và Tel Aviv có mối quan hệ gần gũi, không thể lay chuyển và Mỹ có cam kết “an ninh bền vững” với Israel.

Việc người Mỹ phản ứng gay gắt khi nhà nước Do Thái loan báo “kế hoạch xây nhà” vào đúng thời điểm Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden đang công du Trung Đông có thể làm nhiều người lầm tưởng đây là thái độ tích cực của họ trong việc tạo sức ép để người đồng minh từ bỏ kế hoạch lấn chiếm Đông Jerusalem, tiến tới nối lại đàm phán hòa bình. Lúc đó Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã xuống giọng, “lùi một bước” khi bày tỏ “sự tiếc nuối” về việc công bố kế hoạch trên. Trên thực tế, nói như Mỹ thì những người bạn đôi khi cũng có lời qua tiếng lại, thế nhưng, phát biểu của Tổng thống Mỹ Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton đã khiến cho Israel “tiến lên hai bước” khi ông Netanyahu tuyên bố việc xây dựng khu định cư ở Đông Jerusalem sẽ vẫn tiếp tục vì “đây là vấn đề của 42 năm trước”. Ngoại trưởng nước này, ông Avigdor Lieberman còn khẳng định những lời kêu gọi ngừng xây dựng khu định cư của cộng đồng quốc tế là “vô căn cứ”.

Trước hành động ngạo mạn, bất chấp phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế của Israel, ngày 16-3, chính Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon một lần nữa ra tuyên bố lên án quyết định của Tel Aviv xây dựng nhà định cư mới ở Jerusalem, yêu cầu nước này dỡ bỏ phong tỏa Dải Gaza (và kêu gọi người Palestine kiềm chế).

Trên thực tế, dư luận thế giới không ngạc nhiên với thái độ của Mỹ. Vì hàng chục năm qua Washington đã “dung dưỡng, bao che” cho Israel dù nước này luôn coi thường những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc mang lại hòa bình cho khu vực. Sự dung dưỡng, thiên vị Israel của Mỹ chính là một trong những nguyên nhân đẩy tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông rơi vào ngõ cụt.

XUÂN HẠNH


 

Tin cùng chuyên mục