Những năm gần đây, cứ mỗi khi có một bệnh viện mới ra đời dù là ở TPHCM hay ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai… là một lần thị trường lao động trong ngành y tế lại rúng động vì những tin bom tấn như: Bác sĩ X về làm trưởng khoa với mức lương 140 triệu đồng/tháng, nhân viên Y tuy chỉ là nhân viên marketing thường bậc trung cũng lãnh lương 40 triệu đồng một tháng, còn điều dưỡng thì phải trên 20 triệu đồng.
Không biết thực hư thế nào, nhưng những thông tin này làm cho nhân viên nhiều bệnh viện xôn xao, đơn xin nghỉ việc vì lý do gia đình bay tới tấp, giám đốc nhân sự nhăn mặt kêu trời và ký đơn mỏi tay (vì không ký cũng không được).
Giám đốc một bệnh viện nọ cho biết anh đang méo mặt vì kiểu làm việc như thế này, kiểu làm việc không giống ai hết cứ mang tiền và thu nhập khủng ra dụ và thế là “cá cứ cắn câu” dù biết rằng có khi là “tham bát bỏ mâm”. Vài tháng sau đó cái bệnh viện mới chiêu dụ người hoạt động không hiệu quả, nên mức lương cứ hạ xuống dần, xuống dần và dàn nhân lực hùng hậu ban đầu cứ thế lặng lẽ ra đi tìm việc khác.
Nhiều bệnh viện do nhu cầu thẩm tra trước khi cho phép hoạt động đã bỏ ra một số tiền khổng lồ để chiêu dụ cho mình được một dàn nhân sự cực đẹp, sau khi có giấy phép hoạt động thì lại tùy và người lao động lớp ngậm đắng lớp nuốt cay, lớp thì bị thất nghiệp, lớp lại lao vào một cuộc phiêu du mới.
Việc làm này tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng nó đã gây ra sự xáo trộn nghiêm trọng trong thị trường lao động của ngành y tế vốn đã khó khăn và ẩn chứa nhiều bất ổn, rối ren; làm cho người lao động không chú tâm làm chuyên môn và làm cho những người sử dụng lao động càng thêm khó trong huấn luyện đào tạo tại đơn vị vì ai cũng sợ “công anh bắt tép nuôi cò, cò ăn cò béo cò dò lên cây”.
Đã đến lúc cần phải có hiệp hội các bệnh viện và các nhà quản lý ngồi lại với nhau để thống nhất về cách hành xử sao cho có văn hóa đối với thị trường lao động giàu tiềm năng và đầy nhạy cảm này.
PGS-TS NGUYỄN HOÀI NAM