Chủ tịch Hồ Chí Minh với tập thơ Nhật ký trong tù
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà hoạt động cách mạng, đồng thời là nhà tư tưởng mang cốt cách thi nhân. Bác thấm nhuần sâu sắc truyền thống phương Đông, cùng với việc nghiên cứu truyền thống của dân tộc Việt Nam, nên cách thể hiện tư tưởng của Bác có những nét độc đáo. Bài viết này chỉ muốn luận bàn về sự biểu hiện của tư tưởng Hồ Chí Minh trong tập thơ Nhật ký trong tù.
Nếu tư tưởng phương Tây thiên về duy lý trừu tượng thì phương Đông quen thể hiện ý tưởng dưới dạng những chiêm nghiệm, lấy từ trải nghiệm thực tế cuộc sống, từ những hiện tượng và quá trình cụ thể. Người phương Đông thích diễn đạt tư tưởng gián tiếp qua ngôn ngữ thơ ca. Mượn thơ để chuyên chở tư tưởng, tình cảm là cách làm của nhiều thi sĩ Việt Nam. Truyền thống này được thể hiện qua nhiều tên tuổi nghệ sĩ - nhà tư tưởng qua các giai đoạn lịch sử: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát…
Tiếp nối truyền thống thơ ca dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua tập thơ Nhật ký trong tù cũng gửi gắm vào lời thơ giản dị, mộc mạc những ý tưởng sâu sắc, thâm trầm như phong cách quen thuộc của Người.
Người nhận định khái quát về tác động của hoàn cảnh, của giáo dục đến tính cách con người chỉ trong một bài thơ ngắn Nửa đêm: Ngủ thì ai cũng như lương thiện/ Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền/ Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên.
Với bài thơ Nghe tiếng giã gạo, cùng trong chiều hướng luận bàn về tác động mang thử thách của ngoại cảnh tới con người để tôi luyện họ trưởng thành, Bác lại khéo léo dẫn dắt từ câu chuyện giã gạo đến những ý tưởng lớn: Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện ắt thành công.
Nhân chuyến đi đường xa phải leo đèo, vượt núi, Bác lại từ đó mở rộng đến hành trình nhận thức của con người để có một tầm nhìn bao quát và nỗ lực vươn tới một tầm cao tương ứng. Có thể thấy rõ điều đó qua bài thơ Đi đường: Đi đường mới biết gian lao/ Núi cao rồi lại núi cao chập chùng/ Núi cao lên đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
Đặc biệt, cách nhìn của Bác không hề là sự quan sát vô cảm lạnh lùng mà bao giờ cũng gắn liền với thái độ sống, với tình cảm nhiệt huyết của con người hành động. Nhân sinh quan luôn gắn bó với vũ trụ quan một cách hài hòa. Một mặt, bao giờ Bác cũng tôn trọng sự thật khách quan, dũng cảm đối mặt với thực trạng để tìm ra thực chất của nó, nhưng mặt khác cũng không vì thế mà trở nên bi quan buông xuôi, yếm thế. Song, sự lạc quan tin tưởng ở Người không phải xuất phát từ ý muốn chủ quan duy ý chí mà ở chỗ đã phát hiện, nắm được chiều hướng và xu thế vận động tất yếu của hiện tượng, bởi Người biết nhìn thế giới trong sự vận động chuyển hóa vốn có của nó.
Bài thơ Trời hửng đã nói lên điều này: Vạn vật vẫn xoay đà định sẵn/ Hết mưa là nắng hửng lên thôi. Hay nói khác đi, trong bài Tự khuyên mình, Bác đã nhận ra được cả mối tương quan có tính nhân quả của sự vận động và chuyển hóa: Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân…
Bác càng sâu sắc thấu tình đạt lý khi lưu ý thêm rằng, cần coi trọng cả vai trò nỗ lực chủ quan của con người. Bởi vì một khi thấy được triển vọng, viễn cảnh triển vọng sẽ tới của sự vật và hiện tượng dễ khiến người ta nảy sinh lạc quan trong hành động nhưng cũng dễ làm người ta sa vào tâm lý ỷ lại, trông chờ vào xu thế cái gì đến sẽ đến mà thiếu đi tính chủ động tích cực. Bác trước sau là con người của hành động và thiết thực nên đề cao vai trò phấn đấu, nỗ lực của con người. Bốn câu thơ đề từ cho tập thơ Nhật ký trong tù, thể hiện rõ điều đó: Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao.
Trong Nhật ký trong tù, chúng ta thấy rằng Người đã dùng thơ bày tỏ suy nghĩ, tư tưởng một cách dung dị, không áp đặt gán ghép mà tự nhiên, không lộ liễu khô khan mà sinh động uyển chuyển. Chính vì vậy, thơ của Bác có sức mạnh lay động, truyền cảm mạnh mẽ, thấm thía. Bác Hồ luôn xuất phát từ bản thân sự vật và hiện tượng đang diễn ra trước mắt, nhất là những hiện tượng bình thường quen thuộc dễ bị bỏ qua nhưng với Người, lại có thể phát hiện ra từ những hiện tượng thông thường đó những quy luật của thế giới, những lẽ đời của xã hội.
ĐOÀN MINH TUẤN