Đừng tốn nhiều nước mắt!

...Cùng lúc với lời xin lỗi của hậu vệ đội trưởng David Luiz, nhà cầm quân Felipe Scolari cũng đã lên tiếng cầu xin sự tha thứ. Ừ thì xin lỗi, đó là việc không thể không làm sau trận thua 1-7 này, thất bại nặng nề nhất của đội tuyển Brazil trong lịch sử World Cup.

...Cùng lúc với lời xin lỗi của hậu vệ đội trưởng David Luiz, nhà cầm quân Felipe Scolari cũng đã lên tiếng cầu xin sự tha thứ. Ừ thì xin lỗi, đó là việc không thể không làm sau trận thua 1-7 này, thất bại nặng nề nhất của đội tuyển Brazil trong lịch sử World Cup.

Nhưng bao nhiêu người đón nhận lời xin lỗi đó, đón nhận như thế nào và sau lời xin lỗi ấy là gì, đó lại là một câu chuyện rất khác. Đất nước Brazil đã đầu tư không dưới 11 tỷ USD vào tổ chức World Cup, hơn 200 triệu người Brazil đã ước mơ một cơ hội đăng quang trên sân nhà như thế này từ 64 năm nay nên không thể xin lỗi một cách chung chung được.

Cần phải mổ xẻ vấn đề một cách thấu đáo. Như ống kính truyền hình đã cho thấy, phần đông khán giả Brazil trên sân Belo Horizonte chỉ bàng hoàng đến ngây dại ở bàn thua thứ 2 đến bàn thua thứ 5. Chỉ 29 phút đầu tiên mà đã là 0-5, quá nhanh chóng, quá khó tin mặc dù đó là sự thật. Thế nhưng, khi Schurrle ghi bàn thứ 7 cho Đức ở phút 79, nhiều người đã vỗ tay ngợi khen đối thủ. Ngược lại, khi Oscar dốc lên tìm kiếm bằng được bàn danh dự 1-7 ở phút 90, những tràng cổ vũ “Brazil! Brazil!” vẫn lại vang lên. Tiếng vỗ tay và lời cổ vũ ấy khẳng định khán giả Brazil đã hiểu, đã cảm nhận đúng tình hình chứ không hề đòi hỏi ở Selecao một cách mù quáng.

Đội tuyển Brazil gục ngã bẽ bàng ngay trên sân nhà.

Đội tuyển Brazil gục ngã bẽ bàng ngay trên sân nhà.

Như vậy cũng phải thôi, sống trong một nền bóng đá đỉnh cao thì khả năng nhận biết và trình độ thưởng thức của người dân cũng phải cao tương xứng. Theo đó, họ không thể không thấy Brazil năm nay đã không còn là Brazil đích thực ngay cả khi có Neymar và Thiago Silva trên sân. Brazil năm nay đá không ra phong cách Nam Mỹ, cũng chẳng ra phong cách châu Âu và càng không giống với Brazil 2002 mà chính ông Felipe Scolari từng dẫn dắt. Brazil năm nay chẳng có tiền đạo nào ra hồn. Trên con đường gập ghềnh lo nhiều hơn vui mà họ đã đi qua, Brazil năm nay chỉ vào được bán kết nhờ trọng tài thiên vị ở vòng đấu bảng, nhờ vận may của chiếc cột dọc-xà ngang ở trận vòng 2 với đội Chilê, nhờ 2 bàn trong tình huống cố định và rất nhiều lần phạm lỗi thô bạo ở trận tứ kết với Colombia.

o0o

Để rồi giờ đây, mọi vận may cũng như mọi tia hy vọng đều tắt ngấm khi bộ sưu tập cầu thủ của Scolari đối diện người Đức. Phải, hãy nhìn vào đội tuyển Đức để nhận thấy rằng đối phương mới đúng là một tập thể-đội bóng thực sự, có sự gắn kết chặt chẽ giữa các khu vực, sự vững vàng-tin cậy ở mọi vị trí thi đấu, sự thao lược của Joachim Loew và sự hiệu quả đến lạnh lùng khi cầu thủ thực hiện ý đồ thi đấu của HLV trưởng. Đứng trước đội tuyển Đức, cái kiểu ào lên phủ đầu hòng cuỗm một bàn rồi lùi về phòng thủ theo kiểu... ăn vặt như vậy chỉ là trò trẻ con. Nó đã không hiệu nghiệm và cũng sẽ không bao giờ hiệu nghiệm ngay cả khi Scolari có Neymar và Thiago Silva trong đội hình.

Hàng triệu đứa bé trên khắp đất nước Brazil chính là những người mà thầy trò Scolari phải xin lỗi nhiều nhất.

Hàng triệu đứa bé trên khắp đất nước Brazil chính là những người mà thầy trò Scolari phải xin lỗi nhiều nhất.

Bởi dù có là trung vệ hay nhất thế giới chăng nữa, Silva cũng phải chào thua nếu đồng đội của anh không hề phòng thủ giữa sân cũng như phòng thủ 2 cánh như thế này. Bởi cho dù Neymar được ông Scolari cũng như cả cỗ máy truyền thông Brazil ưu ái thế nào chăng nữa, anh ta cũng không hề nhanh-mạnh như “người ngoài hành tinh” Ronaldo, không rướn được như Romario, không bất ngờ như Rivaldo, không lắt léo như Ronaldinho và cũng chẳng đơn-giản-mà-hiệu-quả được như Kaka để hy vọng phá hỏng cự ly đội hình chặt chẽ của người Đức. Không ai phủ nhận Neymar là một cầu thủ tấn công giỏi, nhưng chưa giỏi đến độ kiệt xuất để trở thành người duy nhất gánh vác vận mệnh của cả chiến dịch lớn Brazil 2014 như Scolari và báo chí Brazil đã thổi lên.

o0o

Cho nên, dù là trận thua hôm qua đã nhấn chìm Brazil xuống tới 7 tầng địa ngục, nỗi đau này vẫn không giống như nỗi đau bị loại ở World Cup 2010, France 1998, Mexico 1986, Espana 1982 hoặc xa hơn nữa là World Cup 1950. Ở những lần ấy, Brazil thua nhưng cũng để lại nhiều khâm phục, tiếc nuối hoặc cùng lắm là nghi ngờ chứ không bẽ bàng nhục nhã như Brazil năm nay. Xin nhắc lại rằng nhiều khán giả Brazil với chiếc áo màu vàng trên người đã vỗ tay tán thưởng đội Đức và đồng thời vẫn cổ vũ cho Oscar săn bàn thắng danh dự. Họ thấy, họ biết, họ cảm nhận được tình hình và họ sẽ chịu đựng được nỗi đau khác thường của trận thua này.

Chỉ thương cho các cháu bé vừa rời ly nước khỏi miệng đã oà lên khóc nức nở trên khán đài. Chúng làm sao hiểu được lực lượng Brazil năm nay mỏng manh ra sao hoặc ban huấn luyện Brazil đã sai lầm như thế nào trong cách tiếp cận trận bán kết với Đức! Chúng làm sao hiểu được đá như Brazil năm nay thì chỉ vào chung kết và vô địch trong những đêm thượng đế đi vắng mà thôi! Tuổi của chúng chỉ biết Brazil thua thì cũng giống như bị cấm ăn tết hoặc bị hỏng mất một món đồ chơi mà đêm đêm chúng vẫn ôm vào những giấc mơ hồng.

Những cháu bé ấy trên khán đài Belo Horizonte, cũng như hàng triệu cháu nhỏ khác trên khắp đất nước Brazil sẽ chính là những người mà thầy trò Scolari phải xin lỗi nhiều nhất. Và không chỉ xin lỗi suông, bóng đá Brazil còn phải đền lại những ước mơ đó bằng cách ươm mầm lại những thế hệ tài năng, xây dựng lại những đội hình thật sự chất lượng-hiện đại như người Đức đã làm...

Hưng Nguyên


“Trên hết tất cả là hổ thẹn!”

“Thảm họa”, “khổ đau”, “nỗi nhục nhã đi vào lịch sử”..., đó là những gì báo chí Brazil đã dùng để mô tả trận thua Đức 1-7, trận thua nặng nề nhất của đội tuyển Brazil ở World Cup và lại là thua ngay trên sân nhà. Sự nhục nhã quá rõ ràng, nếu biết rằng đội bóng Phi châu Algeria trước đó chỉ chịu thua Đức đúng 1 bàn cách biệt (1-2) sau 2 hiệp phụ.

Thiago Silva an ủi Willian sau thất bại kinh hoàng.

Thiago Silva an ủi Willian sau thất bại kinh hoàng.

“Tôi không thể tin vào mắt mình!”, cô giáo về hưu Valeria Mazure ở Rio de Janeiro đã thốt lên như vậy, “Tôi cảm thấy buồn bã, tức giận nhưng trên hết tất cả là hổ thẹn. Thật quá hổ thẹn khi xem trận đấu này”. Cũng tại Rio, một CĐV có tên Ricardo Azevedo nói: “Xem những trận đấu trước đây, tôi đã nghĩ đến khả năng thua nhưng không thể tưởng tượng được rằng Brazil lại có thể thua khủng khiếp như thế này. Một nỗi buồn to lớn. Nhưng không chỉ có vậy, tôi còn cảm thấy tức giận trước sự đầu hàng của đội bóng trên sân. Thật vậy, đầu hàng toàn diện”.

Ở Belo Horizonte, nơi trận đấu diễn ra, một số khán giả Brazil đã bỏ về ngay trong giờ nghỉ giải lao khi Đức đang dẫn 5-0. Nhiều người trong đó đã xé nát vé trận đấu. Một CĐV tên là Ribeiro Franca nói: “Chúng tôi không muốn ở lại thêm nữa, 0-5 như thế này đã là quá xấu hổ. Thua 0-1 còn chấp nhận được, hoặc tốt hơn nữa là 1-1, 1-2, 2-2 nhưng 0-5 thì quả là nhục nhã đối với một đất nước giàu truyền thống bóng đá”.

Tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff, đã mau chóng gửi lời kêu gọi đến toàn thể nhân dân Brazil rằng thất bại này tuy rất, rất buồn “nhưng chúng ta cũng đừng suy sụp, tất cả hãy đứng lên!”. Mặc dù vậy, theo hãng AP, trận thua 1-7 hôm qua có thể sẽ gây khó khăn không nhỏ cho việc tái tranh cử của bà vào tháng 10 này. Trong vòng 1 năm gần đây, nhiều cuộc biểu tình lớn đã nổ ra trên khắp Brazil để phản đối việc đầu tư quá nhiều tiền vào tổ chức World Cup nhưng lại thiếu chăm sóc ngân quỹ y tế và giáo dục. Với thất bại như vừa qua, không loại trừ khả năng làn sóng phản đối sẽ xuất hiện trở lại.

Antonio Hipolito - làm việc tại một cửa hàng sách ở Rio - tuyên bố: “Tôi hy vọng thất bại này sẽ thức tỉnh mọi người, giúp họ suy nghĩ bằng cái đầu thay vì bằng trái tim, và chuyển nỗi thất vọng của họ đến những thùng phiếu bầu khi tuyển cử. Bóng đá chỉ là một ảo vọng, và chúng ta cần đối mặt thực tại”.

Phương Lan

Tin cùng chuyên mục