Sau 4 ngày diễn ra Chợ Công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam 2015 (Techmart 2015), trên 460 hợp đồng và bản ghi nhớ đã được ký kết với tổng giá trị khoảng 380 tỷ đồng. Những giá trị này cho thấy, công nghệ Việt đang tạo ra thế đứng vững chắc trong đời sống xã hội.
Doanh nghiệp công nghệ Việt cũng từng bước thể hiện tinh thần liên kết, cởi mở, sáng tạo… để tiếp nhận và chọn lọc kỹ lưỡng công nghệ hiện đại, tự tin xóa bỏ các công nghệ lạc hậu lỗi thời.
Được mùa công nghệ Việt có thể thấy rõ qua phát biểu của ông Lê Xuân Định, Cục trưởng Cục Thông tin khoa học - công nghệ (KH-CN) quốc gia: “Techmart lần này thực sự đã được thổi một luồng gió mới. Nếu từ trước đến nay Techmart có tính chất một chiều, tức là các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học giới thiệu sản phẩm của mình, còn doanh nghiệp đến để tìm hiểu, tiếp nhận và có thể sử dụng công nghệ, thì tại Techmart lần này, các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao, có các sản phẩm nổi tiếng sẽ được giới thiệu ngược trở lại nhu cầu của họ về hỗ trợ để hoàn thiện, thương mại hóa sản phẩm với các viện nghiên cứu, trường đại học. Đó còn là sự tham gia chủ động của các doanh nghiệp”.
Các gian hàng công nghệ của TPHCM tại Techmart 2015 luôn tấp nập khách tham quan, tìm hiểu.
Có thể thấy rõ, trong số 463 hợp đồng và bản ghi nhớ được ký kết cùng với hàng ngàn giao dịch mua bán công nghệ, thiết bị và sản phẩm (với tổng giá trị hơn 380 tỷ đồng) có sự đóng góp không nhỏ của các gian hàng khu vực TPHCM. TPHCM đến với Techmart lần này với 95 gian hàng của 84 đơn vị. Ở đây, có 150 công nghệ và thiết bị chào bán. Qua 4 ngày diễn ra Techmart, đã có có 9 biên bản ghi nhớ được ký kết ngay tại Techmart với tổng giá trị là 48,85 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch công nghệ tại Techmart ước tính hơn 12 tỷ đồng (trong đó bán trực tiếp 5,8 tỉ đồng; đặt hàng 6,8 tỉ đồng), chủ yếu tập trung vào các thiết bị thuộc lĩnh vực môi trường, thực phẩm, nuôi trồng công nghệ cao, điện, năng lượng, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo…
|
Đoàn TPHCM tham gia Techmart lần này với kỳ vọng sẽ tạo được những giá trị mới cho công nghệ Việt, nên các sản phẩm công nghệ cũng được chú trọng đến chất lượng và khả năng thương mại hóa. Chính vì thế các hợp đồng đã được ký kết đã là một cơ hội lớn cho công nghệ Việt. Có thể kể đến Công ty TNHH Ý Việt (thành phố Hải Phòng) đã ký kết với Công ty cổ phần Công nghệ kỹ thuật điện Toàn Cầu (quận Bình Thạnh, TPHCM) phát triển hệ thống quản lý chiếu sáng công cộng thông minh bằng giải pháp công nghệ, thiết bị Việt Nam trị giá 6 tỷ đồng. Hay Viện Nghiên cứu da giày (quận Tây Hồ, Hà Nội) ký kết với Công ty Cơ khí Tân Hiệp Lực (quận 11, TPHCM) thực hiện dự án sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ ngành nguyên phụ liệu da giày từ 2016-2018 với giá trị 20 tỷ đồng…
Không chỉ vậy, ở Techmart 2015, nhiều mối quan hệ hợp tác đã được thiết lập, nhiều kết quả nghiên cứu được chuyển giao. Nhiều nhà khoa học tìm được thị trường mới cho công nghệ của mình. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng thu thập được nhiều ý kiến đóng góp của khách hàng mà đặc biệt là các doanh nghiệp để điều chỉnh công tác nghiên cứu cho sát với nhu cầu của thị trường.
Theo Bộ KH-CN, Techmart 2015 thành công ngoài mong đợi, đánh dấu một bước phát triển quan trọng của thị trường KH-CN Việt Nam, với quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới công nghệ. Đặc biệt là Techmart 2015 diễn ra ở bối cảnh trong thời gian tới, Việt Nam sẽ trở thành thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN, tham gia vào sân chơi rộng lớn là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tham gia các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Nga, Belarus, Kazakhstan… Như thế, nếu không kịp thời đổi mới công nghệ, không tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, đủ sức cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất khó khăn để tồn tại trên thương trường.
BÁ TÂN