
- Một năm của những kỷ lục
Tại hội nghị sơ kết sản xuất nông nghiệp năm 2005, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng nhận định, dù ngay từ đầu năm, khu vực Nam bộ gặp nhiều khó khăn về thời tiết, giá vật tư tăng liên tục (nhất là phân bón, xăng dầu…), diện tích gieo trồng cả năm giảm trên 67.100 ha so với năm 2004, chỉ đạt 4,222 triệu ha.

Nhờ việc trồng lai tạo, thử nghiệm và nhân giống mới sản lượng tăng, năng suất cao.
Với những bất lợi này, hầu như ai cũng nghĩ, sẽ là năm khó khăn về sản xuất lương thực cho cả vùng. Nhưng đến nay cho thấy, sản lượng lúa toàn vùng đạt trên 20,8 triệu tấn (tăng hơn 560.000 tấn), năng suất bình quân cả khu vực (đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ) 4,93 tấn/ha (tăng 0,21 tấn/ha).
Theo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, nếu xét riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long thì đây là lần đầu tiên khu vực này đạt những con số kỷ lục: năng suất bình quân các vụ trên 5 tấn/ha (tăng thêm 0,126 tấn), tổng sản lượng lúa đạt hơn 19,1 triệu tấn (tăng thêm 602.300 tấn). Sản lượng lúa tăng ở cả 3 vụ, đông xuân, hè thu và mùa. Nhưng tăng nhiều nhất là vụ đông xuân, cả về năng suất, sản lượng và diện tích (1,478 triệu ha).
Có thể nói, vai trò tập trung chỉ đạo của các địa phương là yếu tố cần thiết, nhất là việc bố trí thời vụ xuống giống sớm, tạo điều kiện thâm canh tăng vụ những nơi có điều kiện, xác định cơ cấu giống thích hợp, tỷ lệ giống xác nhận tăng nhanh, từ vài phần trăm lên 24%, trong đó, vùng lúa xuất khẩu lên đến 30%.
Nhưng điều quan trọng là việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất đã được nông dân ứng dụng ngày càng nhiều, giúp cho giá thành giảm xuống trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Trong đó, giảm lúa giống, giảm thuốc trừ sâu, giảm lượng phân bón thừa, ngay cả giảm lượng nước sử dụng (nhờ đó giảm lượng xăng dầu bơm tưới) và giảm thất thoát sau thu hoạch. Đây chính là những yếu tố giúp cho giá thành sản xuất thấp.
- Chưa cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi
Phát biểu của Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, khiến nhiều người chú ý: “Không phải ngẫu nhiên khi những tỉnh thuộc “câu lạc bộ” sản xuất 1 triệu tấn lúa/năm lại là những địa phương có tỷ lệ hộ khó khăn nhiều nhất”. Điều này thoạt nghe mâu thuẫn, nhưng thực tế, dù được mùa, được giá, nhưng do diện tích sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người trong khu vực thấp, lợi nhuận từ cây lúa không cao, nên so với các loại cây trồng khác vẫn thấp.
Điều này cũng là nghịch lý của nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, theo Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, bên cạnh việc tăng năng suất lúa, không thể chỉ thuần nông (chỉ trồng lúa) mà phải xen thêm cây trồng khác, nhất là tăng tỷ trọng chăn nuôi.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho rằng, tiềm năng của Nam bộ nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, không chỉ có sản xuất lương thực (cây lúa chủ yếu) mà còn có lợi thế trồng cây công nghiệp, cây màu và nhất là cây ăn trái. Nhưng thời gian qua, hầu như vùng ĐBSCL chỉ lo đến cây lúa, vùng Đông Nam bộ là cây công nghiệp. Tuy nhiên, những loại cây trồng này chưa có vị trí xứng đáng so với tiềm năng.
Vì vậy, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhấn mạnh, thời gian tới, diện tích lúa sẽ tiếp tục giảm xuống, nhưng năng suất lúa sẽ tăng lên 7 tấn/ha (vụ đông xuân), hiện nay là trên 6 tấn/ha; chuyển diện tích lúa năng suất thấp sang trồng cây màu và công nghiệp để tạo nguyên liệu cho chăn nuôi phát triển. Hiện nay, tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu chung của sản xuất nông nghiệp còn khoảng cách lớn, chỉ bằng 1/4 cả nước. Các tỉnh vùng ĐBSCL tỷ trọng chăn nuôi dưới 30%.
TPHCM có tỷ trọng chăn nuôi cao cũng mới đạt 33,8%. Vì vậy, cần phải xem chăn nuôi là mũi nhọn, cần được ưu tiên phát triển thời gian tới, nhất là gia súc (heo) và đại gia súc (bò thịt, bò sữa…). Bên cạnh đó, đầu tư thâm canh cây công nghiệp (điều, hồ tiêu) vùng Đông Nam bộ và nâng cao chất lượng cây ăn trái vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khi tỷ trọng chăn nuôi chưa đạt 50% trở lên chưa thể nói bền vững.
CÔNG PHIÊN