Đường hẻm biến thành chợ!

Đường hẻm biến thành chợ!

Nhiều con hẻm ở TPHCM hiện nay đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ để họp chợ, giữ xe và bán hàng ăn uống, vừa mất mỹ quan đô thị vừa gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Người dân những nơi này  nhiều lần phản ảnh đến chính quyền địa phương, song tình hình vẫn chưa được cải thiện. Vì sao? 

Biết rồi, nói mãi

Hẻm 402 An Dương Vương (phường 4, quận 5) từ lâu được biết đến là một trong những hẻm có chợ tự phát hoạt động bền bỉ nhất ở TPHCM. Một người dân sống lâu năm ở đây cho biết, chợ hình thành từ trước năm 1975, trải qua nhiều giai đoạn giải tỏa, di dời, đến nay vẫn tồn tại. Có mặt tại đây vào sáng 29-10, chúng tôi thấy toàn bộ lối dẫn vào con hẻm đều bị các mâm thịt, cá tươi sống và rau, củ, quả che kín. Người và xe máy phải chen chúc trên một lối đi hẹp, nền đất xâm xấp nước bẩn và vương vãi thức ăn. Băng rôn in dòng chữ “Khu vực cấm họp chợ” treo ở đầu hẻm hoàn toàn không có tác dụng.

Chợ tự phát chiếm hết lối đi của hẻm 194 Bạch Đằng (phường 24, quận Bình Thạnh). Ảnh: THANH THU

Chợ tự phát chiếm hết lối đi của hẻm 194 Bạch Đằng (phường 24, quận Bình Thạnh). Ảnh: THANH THU

Giữa năm 2009, UBND phường 4, quận 5 đã triển khai các kế hoạch giải tỏa chợ, hướng dẫn người dân chuyển đổi ngành nghề hoặc đăng ký kinh doanh mặt hàng tươi sống tại các chợ Bàu Sen, Hòa Bình trên địa bàn quận. Song, hẻm thông nhà thoáng chưa đầy 3 tháng, chợ đã hoạt động sôi nổi trở lại. Danh sách các con hẻm biến thành chợ còn được nối dài: hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), 194 Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), 22 Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), 86 Âu Cơ và 373 Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình)…

Ở nhiều nơi khác, hẻm bị chiếm dụng làm bãi giữ xe, gây khó khăn cho việc đi lại và bảo đảm an toàn cháy nổ cho người dân. Đơn cử là hẻm 196 Trần Quang Khải (quận 1). Chị Đào Thị Ánh Hồng, một người dân sống tại đây, cho biết, các bãi giữ xe bắt đầu mọc lên từ năm 1996, thời gian đầu còn thưa thớt, sau đông dần và hiện nay đã chiếm trọn lối đi. Nhà nào cũng nhận giữ vài chục chiếc xe máy nhưng diện tích không đủ nên hầu hết đều dựng xe thành 2-3 hàng cặp theo hẻm, mà nhiều đoạn chiều ngang chưa đầy 2m, khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn. Mỗi khi lực lượng chức năng xuống kiểm tra, xe được đẩy hết vào trong nhà, sau đó lại “đổ ra” chiếm dụng mặt hẻm. Các hẻm 595 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) và 241 Nguyễn Trãi (quận 1) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Riêng về việc các con hẻm bị chiếm dụng để bán hàng ăn uống, hầu hết các tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố như Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), Nguyễn Đình Chiểu, Cao Thắng (quận 3)… đều cùng chung số phận. Chỉ tính riêng đường Nguyễn Trãi đã có hơn chục hẻm bị chiếm dụng để bán phở, bánh mì, hủ tiếu và bánh canh như các hẻm 113, 173, 212A, 250, 281, 323, 341… Anh Lê Minh, nhà ở hẻm 113 Nguyễn Trãi, cho biết: “Lúc đầu chỉ có vài hàng bán thức ăn, sau phát sinh thêm đồ uống, rồi chỗ để xe cho khách, chỗ rửa chén… Cứ như thế con hẻm dần bị chiếm sạch, vừa không còn lối đi vừa trở nên nhếch nhác vì rác bẩn và thức ăn thừa vương vãi”.   

Đâu là lời giải?

Đặt câu hỏi vì sao việc chiếm dụng hẻm diễn ra đã lâu và ngày càng có chiều hướng gia tăng trên địa bàn nhưng không được quan tâm giải quyết, hầu hết chính quyền địa phương các nơi đều trả lời do gặp khó khăn về tài chính và nhân lực.

Ông Lê Trung Tín, cán bộ quản lý kinh tế, UBND phường 9, quận Tân Bình, cho biết: “Mỗi đợt ra quân dẹp chợ tự phát kéo dài từ 1 tuần đến 1 tháng, chi phí thuê xe tải để chứa hàng bị thu giữ, tiền xăng, nước uống cho đội tuần tra 7-10 người, dè sẻn lắm cũng mất khoảng 1,2 triệu đồng/ngày. Đó là chưa kể điều kiện kho bãi lưu giữ và bảo quản hàng hóa bị tịch thu, không phải địa phương nào cũng có”. Theo quy định, cơ quan chức năng phải bảo quản hàng hóa trong vòng 24 tiếng, nếu người bị tịch thu không đến nộp phạt và chuộc hàng về, mới được đem đi tiêu hủy.

Tuy nhiên, đối với hàng chục kilogam thịt, cá, rau, củ, quả tươi sống thu giữ được mỗi ngày, muốn bảo quản theo đúng quy định phải có kho lạnh với diện tích không nhỏ. “Tiêu hủy liền không được, bảo quản cũng không xong, đem cho các mái ấm, nhà mở trên địa bàn, sợ các em bị ngộ độc thực phẩm do hàng bán ở chợ tự phát thường không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Tín nói.

Riêng một số hẻm có tình trạng buôn bán tràn lan do nằm ở vị trí gần chợ trung tâm, việc xử phạt chỉ như bắt cóc bỏ dĩa. Đơn cử như hẻm 86 Âu Cơ và 373 Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình), do quá gần chợ Tân Phước và Tân Hưng nên xuất hiện nhiều sạp hàng ăn theo, bày bán tràn lan các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc. “Xử phạt họ lấn chiếm lòng lề đường, họ khiếu nại, so bì với các bãi giữ xe gần đó. Khổ nỗi chợ không có bãi giữ xe nên địa phương cũng không thể dẹp bỏ hẳn các bãi giữ xe đó. Thế là hàng rong cứ “nương” theo bãi giữ xe mà sống”, ông Tín cho biết.

Như vậy, để chấm dứt triệt để tình trạng hẻm chung bị lấn chiếm, các địa phương phải mạnh tay hơn trong việc xử phạt, kiên quyết dẹp bỏ tất cả các hoạt động buôn bán và giữ xe tại hẻm. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần tiếp sức cho các địa phương trong việc giải tỏa, di dời chợ tự phát, đồng thời có những quy định cụ thể hơn về tài chính và nhân lực thực hiện, tránh tình trạng giơ cao đánh khẽ như hiện nay.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục