Về việc triển khai các dự án BOT giao thông, nhiều uỷ viên UBTVQH thống nhất với cho rằng, sở dĩ còn một số tồn tại trong lĩnh vực này thời gian qua là do nhiều công trình đã được triển khai ồ ạt, trong khi chưa có sự đánh giá, rút kinh nghiệm đầy đủ.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Trương Quang Nghĩa công nhận tồn tại này, song cũng nói thêm rằng, nhu cầu đầu tư các dự án giao thông bằng nguồn vốn xã hội là rất lớn và trong nhiều trường hợp là rất cấp bách.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, theo đánh giá mới nhất của Diễn đàn cạnh tranh toàn cầu, xếp hạng về giao thông đường bộ VN tăng rất nhanh, từ vị trí 103 (2012-2013) thì nay đã là 89, tăng 34 bậc. “Đây là một kết quả rất đáng mừng cho đất nước. Kết nối giao thông thông suốt đã đánh thức được tiềm năng của đất nước. Số vốn huy động được trong 5 năm 171.000 tỷ là rất lớn; cải thiện được môi trường đầu tư, lòng tin kể cả cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tác động tới cả hàng không và đường bộ”.
Tuy nhiên, bày tỏ đồng tình với hàng chục nhóm tồn tại được chỉ ra trong báo cáo giám sát, ông Nguyễn Văn Giàu thẳng thắn: “Đáng quan tâm là nhiều công trình quy hoạch không hợp lý, những tuyến đường độc đạo mà ông bà tổ tiên đã tạo dựng từ lúc nào giờ lại cải tạo sơ sài rồi thu phí thì bà con bức xúc là đúng rồi”.
Vẫn theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, chất lượng công trình, một số dự án là kém, như báo cáo của Chính phủ; không tương xứng với giá thành đầu tư. Một nguyên nhân quan trọng là nhà đầu tư chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, dựa vào chính sách ưu đãi để làm, cho nên giá thành bị đội lên. Cách thức thu phí cũng có nhiều bất cập, trạm thu phí bố trí dày, 7 tỉnh dọc sông Hậu và ĐBSCL có 30 cây số đường BOT mà tuyến đường đó chủ yếu chỉ được rải nhựa, mở rộng không đáng kể, nhưng đặt rất nhiều trạm thu phí như vậy.
“Anh Nghĩa (Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa – PV) nói sẽ rà soát hết sức nghiêm túc và thận trọng. Câu hỏi lớn đặt ra là quy hoạch Việt Nam có bao nhiêu km triển khai BOT trên tổng số các quốc lộ chính? Cũng phải làm rõ được vì sao chưa kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài. Hỏi 2 nhà đầu tư lớn là Nhật Bản, Hàn Quốc thì rõ ngay, vì sao họ có năng lực rất lớn về việc này nhưng lại không đầu tư”, ông Giàu phát biểu.
Dẫn chứng trường hợp “rất dáng buồn” tại trạm thu phí Cai Lậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhận xét, việc thoả thuận giữa nhà đầu tư với người sử dụng về mức phí, vị trí đặt trạm ở nhiều nơi mang tính nhiều nơi áp đặt, thiếu công khai minh bạch và chưa tham khảo ý kiến người dân. Lưu ý rằng các dự án BOT mới chỉ tập trung ở đường bộ, mà chưa được triển khai với đường thuỷ, đường sắt. “Phải chăng chỉ đường bộ mang lại lợi ích cho nhà đầu tư? Chính sách ưu tiên của nhà nước với lĩnh vực đường thuỷ, đường sắt thì thế nào?”, Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ nói.
Quan tâm đến trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhìn nhận, báo cáo giám sát chưa đề cập đầy đủ đến trách nhiệm tập thể, cá nhân trong lĩnh vực này.
Đồng tình với quan điểm của Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh yêu cầu tập trung xây dựng hoàn chỉnh, luật hóa các quy định về chuyển nhượng khai thác công trình BOT, không nên làm thí điểm nữa. Trong chuyển nhượng vừa qua có nhiều vấn đề, cả thất thoát, tiêu cực và vẫn có tình trạng dễ làm, khó bỏ, những tuyến thực sự cần thì lại chưa làm. “Báo cáo đề nghị tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, cả từ người dân, từ Quốc hội nhưng trong việc này thì thanh tra chuyên ngành của nhà nước làm mới hiệu quả, vì là lĩnh vực phức tạp, cần chuyên môn”, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng cần có quy hoạch tổng thể về thực hiện BOT, xác định rõ thứ tự ưu tiên đầu tư hợp lý, trên cơ sở những tiêu chí rõ ràng. Các giải pháp hạn chế tiêu cực trong lĩnh vực này như “bán” lại dự án, chỉ sửa chữa qua loa rồi thu tiền… cũng cần chú trọng, không chờ đến lúc người dân phản ứng rất gay gắt mới làm.
“Vừa qua chỗ nào dân kêu quá thì mới giải quyết, chỗ nào dân “hiền” thì vẫn chưa quan tâm để giải quyết những bất hợp lý đó”, Chủ tịch Quốc hội bình luận.
Phát biểu giải trình thêm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thẳng thắn công nhận những khuyết điểm đã được báo cáo giám sát và các đại biểu chỉ rõ. Lấy ví dụ một dự án cụ thể, ông nói: “Tôi có trực tiếp đi giải quyết vụ việc tại cầu Việt Trì, Phú Thọ và thấy đúng là đã có vấn đề ngay từ đầu, khi mà cầu cũ đang còn tốt lại cấm dân đi”, ông nói.
Với tinh thần cầu thị, ngay khi có những ý kiến bức xúc về các dự án BOT thì Chính phủ đã yêu cầu đánh giá tổng kết những mặt được, những mặt hạn chế và đưa ra giải pháp, Phó Thủ tướng cho biết.
Đã có 54 dự án rà soát, điều chỉnh mức phí, thời gian thu, nhiều dự án điều chỉnh vị trí đặt trạm. Ngành giao thông cũng đã cho triển khai các trạm thu phí không dừng trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14…
Về giải pháp tới đây, Chính phủ xác định sẽ ưu tiên hoàn thiện khung pháp luật, trong đó có nghị định 15 và các thông tư của Bộ Tài chính về mức thu phí, đặt trạm thu phí… Phó Thủ tướng khẳng định sẽ tập trung rà soát chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của quốc gia, vùng và địa phương đối với tất cả các hình thức giao thông chứ không riêng gì đường bộ; từ đó xác định lộ trình đầu tư và hình thức huy động vốn phù hợp.
“Chính phủ sẽ tăng cường khâu chuẩn bị đầu tư, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý khai thác công trình BOT, đặc biệt là vấn đề giá, phí, xử lý kịp thời những tranh chấp phát sinh, nhất là giữa người dân với nhà đầu tư”, đồng chí Trịnh Đình Dũng cam kết.