Đường lưỡi bò là yêu sách tùy tiện

Phi lý và ngang ngược
Đường lưỡi bò là yêu sách tùy tiện

Truyền thông thế giới:

Tờ Korea Times phiên bản tiếng Anh, số ra ngày 14 và 17-3, đã đăng loạt bài về vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam dưới góc độ luật pháp quốc tế, trong đó khẳng định yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” (hay còn gọi là “đường chữ U”) của Trung Quốc ở biển Đông là hoàn toàn tùy tiện, không có cơ sở pháp lý, trong khi Việt Nam có đầy đủ chủ quyền về mặt pháp lý đối với hai quần đảo này.

Diễn đàn Hoa Thương, Trung Quốc thảo luận về xây dựng cầu vượt biển

Phi lý và ngang ngược

Tờ Korea Times cho rằng, dưới góc độ luật quốc tế hiện đại, đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra không có tính ổn định và xác định “Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra lý giải nào về tính hợp pháp của đường chữ U theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà nước này đã phê chuẩn.

Cách xác định đường chữ U của Trung Quốc không nằm trong 3 phương pháp vạch đường cơ sở trong UNCLOS 1982, bao gồm đường cơ sở thông thường (điều 5), đường cơ sở thẳng (điều 7) và đường cơ sở quần đảo (điều 47). Do đó, quy định đường cơ sở của Trung Quốc đã vi phạm 2 nguyên tắc cơ bản, đó là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và vi phạm các quy định của UNCLOS 1982 về vạch đường cơ sở”.

Theo các án lệ quốc tế, đặc tính quan trọng nhất của một đường biên giới quốc tế là “tính ổn định và dứt khoát”, vì vậy đường lưỡi bò không thể được coi là “biên giới quốc gia”.

 Mặt khác, cho dù Trung Quốc có tự cho rằng tất cả các thực thể trong đường lưỡi bò là thuộc về nước này thì những đảo hay thực thể nằm trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển đều không thuộc về Trung Quốc, kể cả trong trường hợp các thực thể trong quần đảo tranh chấp là đảo và được hưởng các vùng biển như quốc gia đất liền.

Cũng theo Korea Times, Trung Quốc cũng không đưa ra được bằng chứng nào có sức thuyết phục về việc họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ khu vực biển Đông một cách liên tục, hòa bình từ xa xưa. Thực tế cũng cho thấy, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Trung Quốc ngày càng hung hăng

Ngoài việc bồi đắp mở rộng một cụm đảo ở Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc còn lên kế hoạch xây dựng một cầu vượt biển dài hơn 10km, nối nhóm đảo An Vĩnh với đảo Phú Lâm.

Các trang quân sự Sina, China.com, Ifeng dẫn nguồn từ Đại Công báo của Hồng Công cho biết, Trung Quốc đang lập quy hoạch bồi đắp mở rộng hơn 10 lần cụm Cồn cát Tây, đảo Cây, đảo Bắc, đảo Trung, đảo Nam, Cồn cát Nam (thuộc nhóm đảo An Vĩnh của Việt Nam) từ diện tích 1,32km² lên 15km².

Ngoài quy hoạch xây dựng một đường băng dài 3.500m ở mũi Tây Bắc Cồn cát Tây, Trung Quốc còn có kế hoạch xây một hải cảng ở mũi phía Nam đảo Cây, đồng thời xây một cây cầu vượt biển dài hơn 10km, nối liền cụm đảo An Vĩnh với đảo Phú Lâm, nhằm mục đích xây dựng một chính quyền có quy mô lớn hơn ở cái gọi là thành phố Tam Sa mà Trung Quốc thành lập trái phép trên đảo Phú Lâm để hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý ở biển Đông.

Để chuẩn bị cho việc bồi đắp và xây đường băng ở nhóm đảo An Vĩnh, Trung Quốc đã thành lập 5 đơn vị quản lý trên đảo Cây hồi tháng 7-2014 như đồn công an biên phòng, trung tâm chỉ huy dân binh. Hiện trên cả cụm đảo mà Trung Quốc chiếm đóng ở nhóm đảo An Vĩnh có khoảng 200 người, chủ yếu sống ở đảo Cây.

Liên quan đến tình hình biển Đông, trong cuộc gặp ngày 15-3 tại Tokyo, Tổng thống Timor Leste, ông Taur Matan Ruak và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng lên tiếng bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về tình hình ở biển Đông thời gian qua. Trong một tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo nêu rõ sẽ “phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng ở biển Đông”. Đây là lần đầu tiên Timor Leste công khai lên tiếng về tình hình ở biển Đông.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục