Duy trì mức tăng trưởng kinh tế hợp lý

Ngày 30-9, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2015 đã khai mạc. Theo chương trình, phiên họp sẽ diễn ra trong hai ngày, 30-9 và 1-10.

(SGGP).- Ngày 30-9, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2015 đã khai mạc. Theo chương trình, phiên họp sẽ diễn ra trong hai ngày, 30-9 và 1-10.

Theo Bộ KH-ĐT, kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2015 diễn ra trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều biến động mạnh. Trước diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì mức tăng trưởng hợp lý. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2015 ước tính tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó quý 1 tăng 6,12%; quý 2 tăng 6,47%; quý 3 tăng 6,81%. Trong mức tăng 6,5% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,08%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,57%; khu vực dịch vụ tăng 6,17%.

Cũng trong phiên họp ngày 30-9, Chính phủ đã nghe Bộ GD-ĐT báo cáo về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ chính quy năm 2015. Theo Bộ GD-ĐT, riêng về xét tuyển ĐH-CĐ, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 là 647.222, bao gồm 396.810 chỉ tiêu ĐH và 250.412 chỉ tiêu CĐ. Số chỉ tiêu đăng ký xét tuyển vào ĐH-CĐ từ kỳ thi THPT quốc gia khoảng hơn 516.000 (gồm khoảng 366.000 chỉ tiêu ĐH và 156.000 chỉ tiêu CĐ) và số chỉ tiêu xét tuyển từ học bạ, theo đề án tự chủ tuyển sinh là 130.000. Kết quả, tính đến ngày 15-9, các trường ĐH-CĐ đã xét trúng tuyển 554.953 thí sinh, đạt 85,74% chỉ tiêu (năm 2014 là 505.000 thí sinh), trong đó ĐH là 415.870 (đạt 97,6%), CĐ là 139.083 đạt 63,21% chỉ tiêu do các trường tự xác định. Kết quả xét tuyển cho thấy khối ngành công an, quân đội, y dược, luật là những ngành có kết quả xét tuyển tốt nhất; tiếp đó là các ngành kỹ thuật, kinh tế, sư phạm và tài chính-ngân hàng. Bộ GD-ĐT cho rằng, kết quả tuyển sinh năm nay đã bước đầu tạo ra sự phân tầng chất lượng trong số các trường ĐH-CĐ; không quá phân biệt trường công lập hay ngoài công lập, trình độ ĐH hay CĐ.

Theo Bộ GD-ĐT, so với chi phí cần cho việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và 3 đợt thi ĐH-CĐ trong mỗi năm trước đây thì chi phí cho kỳ thi THPT quốc gia 2015 giảm xuống do chỉ còn 1 đợt. Thời gian thi tối đa từ 9 ngày xuống còn 5 ngày với số môn thi tối đa giảm từ 7-13 môn xuống còn 4-8 môn; thay vì tập trung về 6 cụm thi ĐH, CĐ thí sinh được thi tại tỉnh hoặc tỉnh lân cận nên giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội… Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT thừa nhận, những sự cố, bất cập liên quan đến sử dụng cơ sở dữ liệu và phần mềm xét tuyển dùng chung, cũng như quy chế đăng ký xét tuyển đợt 1, thay đổi nguyện vọng bổ sung… dù chỉ tập trung ở một số ít trường cũng đã gây ra hình ảnh không tốt đối với dư luận. Bộ GD-ĐT cầu thị, lắng nghe, từ đó kịp thời đưa ra phương án xử lý, khắc phục kịp thời trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho thí sinh và gia đình. “Bộ GD-ĐT đã và đang nghiêm túc rút kinh nghiệm để hoàn thiện phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ cho những năm tới trong lộ trình đổi mới GD-ĐT”, báo cáo khẳng định.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục