Ecuador bối rối vì Snowden

Sự kiện “nhân vật bị nước Mỹ truy lùng gắt gao” Edward Snowden muốn tị nạn tại Ecuador đã gây ra những phản ứng trái chiều tại đất nước này. Trong khi chính phủ cánh tả của Tổng thống Rafael Correa vẫn chưa có một tuyên bố chính thức nào về quyết định đối với trường hợp của Snowden thì các nhà phân tích cho rằng nhiều khả năng họ đang cân nhắc về vấn đề kinh tế.

Sự kiện “nhân vật bị nước Mỹ truy lùng gắt gao” Edward Snowden muốn tị nạn tại Ecuador đã gây ra những phản ứng trái chiều tại đất nước này. Trong khi chính phủ cánh tả của Tổng thống Rafael Correa vẫn chưa có một tuyên bố chính thức nào về quyết định đối với trường hợp của Snowden thì các nhà phân tích cho rằng nhiều khả năng họ đang cân nhắc về vấn đề kinh tế.

Theo hãng tin AP, khác với Trung Quốc, Nga, Cuba, những quốc gia khiến Mỹ có thể tốn rất nhiều công sức khi yêu cầu giao nộp Snowden thì Washington dễ dàng trừng phạt Ecuador hơn khi nước này chấp nhận đơn tị nạn của Snowden chỉ bằng biện pháp kinh tế. Chính quyền Obama có thể bác việc giảm thuế trên các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Ecuador như hoa, bông atisô và bông cải xanh - những nguồn thu mang lại hàng trăm triệu USD cho nước này. Hiện nay, một nửa thương mại xuất khẩu của Ecuador vẫn phụ thuộc phần lớn vào Mỹ. Những người lo ngại nhất tại Ecuador chính là những doanh nghiệp tại Ecuador. Benito Jaramillo, Chủ tịch Hiệp hội Hoa tại nước này cho rằng: “Họ đã đưa mình vào rắc rối không phải xuất phát từ chính Ecuador, vì vậy chúng tôi đang ở trong một tình trạng khó xử”. Đây cũng là phản ứng dễ hiểu bởi chỉ dựa vào việc xuất khẩu hoa hồng sang Mỹ hàng năm, ông Benito đã thu về 300 triệu USD. Còn ông Roberto Aspiazu, chủ tịch của một liên minh các ngành công nghiệp lớn nhất của Ecuador cho biết. “Hy vọng rằng vấn đề này sẽ được xem xét từ góc độ lợi ích của Ecuador và tôi nghĩ rằng không cần thiết đối đầu với Mỹ”.

Còn đối với những người chủ trương theo đường lối chống Mỹ, họ lại khuyến khích Ecuador nên chấp nhận Snowden. Bởi lẽ, các tiết lộ của Snowden về chương trình giám sát bí mật của Mỹ đã làm lộ rõ một mô hình sâu rộng của sự can thiệp quá mức của Washington ở nước ngoài, bao gồm cả ở châu Mỹ Latinh. Vì vậy, cho Snowden tị nạn là nhân đạo và khôn ngoan dù nước này có thể phải hứng chịu hậu quả kinh tế. Ông Pablo Davalos, một giáo sư kinh tế và chuyên gia phân tích tại Đại học Công giáo ở Quito tỏ ra lạc quan khi nói rằng cơ sở thương mại giữa Mỹ và Ecuador được thiết lập từ chủ nghĩa thực dụng, nên sẽ không có những hậu quả lớn bởi nếu theo chủ nghĩa này, thương mại tách riêng với chính trị. Theo quan điểm của những người ủng hộ, từ chối yêu cầu của Mỹ không có nghĩa là nền kinh tế của Ecuador sẽ bị sụp đổ bởi nước này đang có nguồn lợi từ dầu mỏ. Bên cạnh đó, sự phát triển quan hệ trong thương mại với Trung Quốc đang khiến Ecuador “dễ thở” hơn khi không muốn phụ thuộc vào Mỹ.

Theo một số nhà phân tích, Ecuador buộc phải có những suy tính cặn kẽ vì bất cứ thiệt hại nào cho vấn đề kinh tế sẽ gây tác động không nhỏ cho Chính phủ của ông Correa. Vụ bảo vệ ông chủ WikiLeaks Julian Assange vào năm ngoái đã cho thấy nỗ lực của Tổng thống Ecuador Correa muốn chứng tỏ vai trò của giới lãnh đạo cánh tả ở Mỹ Latinh trước chính quyền Washington. Quan điểm của ông cũng được các nhà lãnh đạo cánh tả châu Mỹ Latinh như cố Tổng thống Hugo Chavez ở Venezuela, Evo Morales ở Bolivia và cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro ở Cuba ủng hộ, vì đây là phản ứng cứng rắn cần thiết trước hành động do thám và can thiệp chính trị của Mỹ dựa trên các bức điện tín do WikiLeaks công bố.

Trường hợp của Snowden cũng tương tự như trường hợp của ông Assange, liệu lịch sử có lặp lại?

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục